Việc cấm buôn bán, giết mổ chó mèo ở khu chợ Tomohon Extreme được coi là “thời khắc lịch sử”, gây ra nhiều ý kiến trái chiều cả ủng hộ lẫn phản đối.
Bước ngoặt lớn mang “tính lịch sử”
Chợ Tomohon Extreme từng là một điểm hút khách du lịch hàng đầu ở tỉnh bắc Sulawesi của Indonesia. Tới thăm khu chợ truyền thống này, du khách bước vào thế giới của rất nhiều loài động vật tươi sống được bày bán, từ những con trăn được chặt miếng, tới thịt dơi, chuột xiên que và cả chó, mèo.
Từ năm 2018, khu chợ này đã nhận được vô số lời chỉ trích từ các nhà hoạt động vì quyền động vật trên thế giới. Nhiều nhà tình nguyện tới đây đã quay được những thước phim “dã man” ghi cảnh chó, mèo bị đánh đập, thiêu sống.
Bà Lola Webber, giám đốc chiến dịch của Humane Society International, cho biết, các nhà hoạt động đã kêu gọi những công ty du lịch lớn ngừng giới thiệu với du khách điểm đến này.
Tuy nhiên, việc cấm buôn bán, giết mổ thịt chó mèo, vốn là một phần trong truyền thống của người dân Minahasa bản địa, khó hơn nhiều so với tưởng tượng.
“Suốt nhiều năm qua, tôi nhận được vô số lời nhắc nhở rằng sẽ chẳng thể thay đổi được điều gì diễn ra ở khu chợ này. Thói quen ăn uống của người dân không đổi”, bà Webber nói.
Nhưng bước ngoặt lớn bất ngờ xảy ra.
Cuối tháng 7 vừa qua, thị trưởng thành phố, ông Caroll Senduk, chính thức ký luật cấm buôn bán thịt chó mèo tại khu chợ. Ngoài ra, toàn bộ tiểu thương ở đây phải ký thỏa thuận ngừng vĩnh viễn việc buôn bán, giết mổ chó mèo.
Với bà Webber, đây là “chiến thắng vang dội”, qua đó giúp giải thoát cho hàng nghìn con chó, mèo.
Để đạt được thỏa thuận này, các tiểu thương nhận được khoản trợ cấp từ chính quyền địa phương. Trong khi đó, các nhà hoạt động quyền động vật vẫn tiếp tục làm việc với giới chức liên quan tới vấn đề rủi ro dịch bệnh tại khu chợ chuyên buôn bán động vật tươi sống này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh dại vẫn đang hiện hành ở phần lớn lãnh thổ của Indonesia, bao gồm cả đảo Sulawesi.
Việc buôn bán thịt chó được coi là hành vi bất hợp pháp ở một số khu vực tại châu Á, bao gồm Singapore, Philippines, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng ngành này vẫn tồn tại ở Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam.
Phản ứng của người dân và du khách
Trước động thái mới, người dân địa phương có nhiều phản ứng trái chiều.
Với những người Minahasa bản địa, họ vốn coi thịt chó là nguồn thực phẩm chuyên phục vụ các đám cưới hỏi, ma chay. Chó cũng được chế biến thành nhiều món trong nhà hàng.
“Chúng tôi đã ăn loại thịt này suốt nhiều thế hệ. Trong các bữa tiệc lớn, nếu thiếu nó sẽ kém ngon”, ông Roy Nangka, một người dân địa phương bày tỏ.
Trong khi đó ở Langoan, một khu chợ khác chỉ cách chợ Tomohon Extreme chừng 45 phút lái xe, việc thui chó bằng rơm rạ vẫn phát triển. Sau khi thui vàng lớp da, con vật được cắt nhỏ thành từng miếng, bán với giá 55.000 rupiah/kg (gần 90.000 đồng).
Còn với ông Elvianus Supongoh, người từng bán 120 con chó mỗi ngày với thâm niên 25 năm trong nghề, sau nhiều ngày suy nghĩ, người đàn ông quyết định “giải nghệ”.
“Từ khi bị bệnh gút, tôi đã ngừng ăn thịt chó. Sắp tới, tôi dự tính sẽ buôn bán các loại rau củ trong vườn nhà rộng khoảng 1ha của mình”, ông nói.
Về phía du khách, nhiều người lên tiếng ủng hộ quy định mới của chính phủ. Một số tài khoản để lại bình luận trên Tripadvisor rằng, họ từng thấy “ám ảnh” khi tận mắt chứng kiến cảnh giết mổ trong chợ và không muốn tới tham quan điểm đến như vậy.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/indonesia-cho-thit-cho-bi-cam-giet-mo-vinh-vien-ke-tiec-nuoi-nguoi-ung-ho-20230808122752929.htm