Đến bây giờ bà Ngọc vẫn không ngờ lời hứa “sẽ luôn yêu thương và chăm sóc nhau, bất kể khó khăn” khi tỏ tình với bà Thủy đã giúp họ vượt qua 30 năm bão giông.
Bà Phạm Minh Ngọc (65 tuổi) sinh ra ở Sóc Trăng. Từ năm 11 tuổi bà đã nhận ra mình là người đồng tính vì thích cắt tóc ngắn, mặc đồ con trai và sẵn sàng bỏ ngoài tai những lời trêu chọc từ hàng xóm để thích con gái. Dẫu vậy, bà chưa từng dám tỏ tình với ai.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, năm 1993 bà rời quê lên Sài Gòn nhặt ve chai, tình cờ đến ăn tại quán mà bà Thủy đang làm nghề rửa chén thuê.
Vài câu bông đùa làm họ có thiện cảm với nhau. Bà Thủy kể gia cảnh nghèo khó nên chỉ biết cắm mặt làm lụng, suốt 30 năm chưa từng yêu ai. Để nối dài câu chuyện, bà Ngọc đến quán ba lần trong ngày, len lén ngắm bà Thủy từ xa. Cuộc sống cùng vật lộn mưu sinh ở vỉa hè và hoàn cảnh thiếu vắng ba mẹ khiến họ tìm được điểm chung, xích lại gần nhau hơn.
Giáng sinh năm 1993, tranh thủ giờ nghỉ, bà Thủy xin chủ cho sang công viên thuộc quận 1, TP HCM chơi. Họ ngồi hồi lâu dưới tán cây thì bà Ngọc ngỏ lời “tui thương em”. Bà Thủy kể lúc đó người như có luồng điện chạy dọc, mặt đỏ bừng bừng, chỉ biết khe khẽ gật đầu. Sau hôm đó, họ dọn về sống chung trong căn phòng trọ thuê 300.000 đồng một tháng.
Vài tháng sau, bà Thủy nghỉ việc, đẩy thuốc lá bán dạo nhưng Sài Gòn vào mùa mưa triền miên. Bán ế, họ không đủ tiền trả nhà trọ nên đành dọn ra vỉa hè, ngủ cạnh tủ thuốc. Một đêm, bà Thủy đang say giấc thì bị vài thanh niên trộm tủ thuốc lá. Bà mở mắt chạy đuổi theo chỉ kịp giành lại chiếc tủ, tiền mất sạch. Không tiền, không nhà, cặp đôi co ro dưới cơn mưa nặng hạt. Bà Ngọc bung dù che, lau giọt nước mắt chảy dài trên má “vợ”. “Thấy hai đứa khổ quá, tui đề nghị chia tay nhưng bà ấy chặn lại liền, kêu nghèo mà có nhau là được”, bà Thủy nhớ lại.
Gắng gượng ở đất Sài Gòn được chục năm, họ dắt nhau về xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, quê hương của bà Thủy sống. Ban đầu, mọi người tưởng bà Ngọc là đàn ông, rủ nhậu được vài hôm họ mới phát hiện. Một người chị họ kéo tay bà Thủy trách sao không lấy chồng mà lại quen đàn bà, rồi con cái tính sao. Bà Thủy liền gạt phắt đi, trả lời “miễn tui hạnh phúc”.
Sau hôm đó, bà Ngọc dành dụm 50.000 đồng, ra tiệm thuê cho bà Thủy chiếc váy hồng, bó hoa trắng, bản thân mặc vest để chụp ảnh kỷ niệm. Không có lễ cưới nào diễn ra nhưng họ xem nhau là vợ chồng.
Câu chuyện hai người phụ nữ yêu nhau nhanh chóng lan rộng khắp ấp Tân Quy Hạ. Bà con trong vùng từ tò mò chuyển sang thương cảm. Cặp vợ chồng đồng tính dựng chòi ở tạm nhiều nơi, cuối cùng mượn được mảnh đất nằm khuất sâu trong nghĩa trang của ấp. Bà Thủy làm cỏ, bà Ngọc cuốc đất, hàng xóm người cho đá, người cho cọc tre, người cho ván, tôn để dựng nhà, ròng rã bốn tháng mới hoàn thành.
Tuy nhiên, cuộc sống của họ vẫn quay quắt trong đói nghèo. Thập niên 2000, bà Ngọc ngày ngày đạp xe 40 km từ huyện Đức Hòa đến cầu Ông Lãnh, quận 1 (TP HCM) để nhặt ve chai, sắt vụn, bán rau củ ngâm chua bà Thủy làm. Lần nào cầm tiền chồng đem về, bà Thủy cũng khóc vì xót xa.
Lần nọ, cả hai về quê bà Ngọc làm giúp việc. Về đến Sóc Trăng, nhận việc được ba ngày thì bà Thủy bị ngã chấn thương, phải nằm nhà. Để có tiền lo cho vợ, bà Ngọc nhận lời đi nuôi bệnh thuê, chấp nhận xa nhà hai tháng.
“Đó là hai tháng dài nhất đời tui”, bà Thủy nhớ lại. Bà sống trong nỗi nhớ, cứ quanh quẩn trong nhà, chảy nước mắt tưởng tượng cảnh bà Ngọc nặng 37 kg phải nâng đỡ người bệnh nặng gấp đôi mình. Ngày bà “chồng” trở về, bà Thủy vào nhà pha ly cà phê đá, lòng chắc chắn niềm tin đời mình chỉ cần có người thương yêu, không nhất thiết phải là đàn ông.
Một buổi trưa hè 10 năm trước, cả hai cãi nhau to tiếng vì chuyện luống rau. Bà Thủy mệt nhọc ném bình tưới xuống đất, bỏ lên võng nằm. Bà Ngọc giận run người nhưng nhìn thấy mái tóc điểm bạc của bà Thủy, nhớ rằng người phụ nữ này đã từng trải qua tuổi thơ đầy cơ cực nên tính tình cục mịch, bà dịu xuống. Họ thường không xin lỗi nhau, chỉ lặng lẽ người luộc rau, người đi gọt măng cho bữa cơm chiều, vậy là huề.
Anh Nguyễn Thanh Tùng (38 tuổi) sống cách nhà bà Thủy 300 m nói cặp đôi đã sống với nhau hàng chục năm, dù nghèo đói và bệnh tật. Họ từng dựng chòi ở tạm gần bến sông thuộc ấp Tân Quy Hạ, sau khu vực này bị đòi lại làm chuồng bò, trồng trọt nên mới chuyển vào phát hoang mảnh đất trong nghĩa trang. Hàng xóm thương nên đã đùm bọc, giúp đỡ khá nhiều. Thỉnh thoảng, có người lại mang gạo, mì, mắm, muối vào tặng họ.
Ông Võ Văn Bắn, trưởng ấp Tân Quy Hạ, cũng cho biết bà Thủy có gốc gác ở vùng này, sau đi làm ăn xa mới trở về cùng bà Ngọc. Hiện tại, hộ của bà Thủy được xét diện hộ nghèo, nhận được chính sách hỗ trợ của địa phương.
Ngôi nhà họ dựng tạm nằm lọt thỏm trong mảnh vườn rộng 100 m2, bà Thủy mắc giàn trồng mướp, bầu, bí, dưới đất gieo thêm vài bụi hành, rau lang, đậu bắp. Mỗi sáng, bà Ngọc đạp xe ra chợ bán rau củ, chiều về họ cùng đào khoai mì, bón phân, tưới cây. Hai năm nay, mắt bà Thủy mờ dần nên việc bếp núc đều do bà Ngọc làm. Cặp vợ chồng mô tả cuộc sống bình yên, hai người chỉ rau cháo qua ngày, không cần gì thêm.
“Tui cảm thấy cuộc đời mình đã đủ, mãn nguyện đến lúc nhắm mắt”, bà Ngọc nói.
Nguồn: https://vnexpress.net/30-nam-ben-nhau-cua-cap-dong-tinh-u70-4643060.html