Chẳng biết 2023 có phải là một năm đại hạn của hãng hàng không Vietnam Airlines hay không khi liên tiếp hết bê bối này đến bê bối khác xảy ra. Từ vụ tiếp viên vận chuyển chất ma tuý đến cơ trưởng Phạm Hà Duy bị sa thải chỉ vì dương tính với chất cấm, cựu tiếp viên điều hành đường dây “mua bán dâm” và gần đây nhất là vụ Xuân Shop Việt Nhật tố có thái độ xem thường, bị phân biệt đối xử.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 6/9 vừa qua cảnh sát Hàn Quốc thông báo đã bắt 2 tiếp viên hàng không Việt Nam (nhiều thông tin đây là tiếp viên của Vietnam Airlines) buôn lậu tinh dầu cần sa trị giá 300 triệu won (gần 5,4 tỷ đồng) trong 50 hộp mỹ phẩm, trong chuyên án được theo dõi nhiều tháng trước.
Theo Đài MBC đưa tin ngày 6-9, Sở cảnh sát Incheon, phía tây Seoul bắt giữ hai trong số bốn thành viên phi hành đoàn của một hãng hàng không Việt Nam để điều tra hành vi buôn lậu ma túy.
Hai nữ tiếp viên khoảng 20 tuổi bị nghi ngờ giấu cần sa dạng lỏng (tinh dầu cần sa) trị giá 300 triệu won (hơn 5,4 tỉ đồng) trong các hộp đựng mỹ phẩm và mang vào Hàn Quốc từ tháng 4-2023.
Theo kết quả điều tra của cảnh sát, hai nữ tiếp viên trên nhận họ đã chuyển hàng hộ từ Việt Nam sang Hàn Quốc với tiền công khoảng 68.000 won đến 150.000 won (từ khoảng 1,2 triệu đến 2,7 triệu đồng) cho mỗi lần chuyển hàng.
Các nữ tiếp viên cho biết họ chỉ nhận vận chuyển hàng mà hoàn toàn không biết bên trong là cần sa.
Năm 2023 đầy tai tiếng!
– Ngày 16/3: Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện 4 tiếp viên của Vietnam Airlines (Võ Tú Quỳnh, Trần Thị Thu Ngân, Nguyễn Thanh Thủy và Đặng Phương Vân) vận chuyển 11,4kg ma tuý trên chuyến bay VN10 từ Pháp về Việt Nam.
– Ngày 27/4: Phi công Phạm Hà Duy của Vietnam Airlines bị phát hiện dương tính với Ma Tuý, sau vụ việc phi công Hà Duy bị thu hồi giấy phép lái máy bay vĩnh viễn.
– Ngày 14/8: Tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines bị Xuân Shop Việt Nhật tố có thái độ xem thường, bị phân biệt đối xử. Khi cùng đi hạng vé thương gia, nhưng vì quần áo “rách rưới” nên bị tiếp viên Vietnam Airlines lạnh nhạt và không phục vụ.
– Ngày 18/8: Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM vừa triệt phá đường dây môi giới mại dâm tiếp viên hàng không, người mẫu ảnh do Vỏ Thị Mỷ Hạnh (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cựu tiếp viên của Vietnam Airlines cầm đầu.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên nhân viên Vietnam Airlines liên quan đến buôn lậu mà khoảng 15 năm trở lại đây, nhân sự của Vietnam Airlines liên tiếp dính vào những vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép từ nước ngoài về Việt Nam.
Cụ thể, ngày 3/1/2020, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) cũng phát hiện trong hành lý của bà N.T.T.H. – tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines chứa 130 cây thuốc lá hiệu Marlboro, trị giá khoảng 920.000 đồng/cây và 48 chai dầu xoa bóp. Tổng giá trị lô hàng khoảng 200 triệu đồng.
Qua điều tra, Công an quận Tân Bình xác định lô hàng trên có nguồn gốc từ Nhật Bản nhập cảnh vào sân bay quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay số hiệu VN139 của Vietnam Airlines. Khi tiếp viên H. đưa lô hàng vào TP.HCM thì bị công an bắt giữ.
Đầu năm 2019, Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện cơ trưởng của Vietnam Airlines đang giao dịch lô hàng chứa 120 chai nước hoa nhãn hiệu ngoại và 3 điện thoại di động cho một người đàn ông tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất.
Cơ trưởng Bùi Quang Thắng cùng tang vật là 120 chai nước hoa.
Cơ trưởng khai nhận mua số hàng trên tại khu vực miễn thuế ở một sân bay của Pháp với giá 3.047 euro, vận chuyển về Việt Nam trên chuyến bay của mình và dự định bán lại với giá hơn 4.000 euro.
Tháng 3/2016, trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Busan (Hàn Quốc), cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi) và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong bị phát hiện mang theo 6 kg vàng nhưng không khai báo.
Hải quan tại sân bay Gimhae, Busan, Hàn Quốc đã phát hiện số vàng trên được 2 người giấu trong đế giày (tiếp viên 2 kg, cơ trưởng 4 kg).
Theo phán quyết của tòa án thành phố Busan, Dũng và Phong đã bị tuyên án tù treo và được chuyển giao cho bộ phận quản lý xuất nhập cảnh đưa về Việt Nam vào ngày 5/6/2016.
Tang vật vụ án phi công giấu vàng trong đế giày. (Ảnh: Yonhap)
Tháng 3/2014, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ gần 20 ngày do nghi ngờ vận chuyển 21 chiếc áo jacket là hàng ăn cắp trị giá 125.000 yen (tương đương 25,7 triệu đồng).
Đài NHK của Nhật Bản ngày 27/3/2014 cho biết Ngọc đã khai nhận được một phụ nữ 30 tuổi (người Việt) sống tại Nhật Bản thuê vận chuyển số hàng trên về Việt Nam. Nữ tiếp viên không biết đó là đồ ăn cắp.
Ông Phan Xuân Đức, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, khi trả lời phỏng vấn trên đài NHK đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc trên.
Cuối tháng 9/2013, Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài phát hiện tiếp viên phó Bùi Ngọc Tuấn vận chuyển trái phép 50 điện thoại iPhone 5S nguyên hộp trên chuyến bay VN106 của Vietnam Airlines từ Paris về Nội Bài.
Năm 2011, VNA tiếp tục xảy ra lùm xùm khi tiếp viên Thái Anh Tiến bị khởi tố do liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ từ Australia về TP.HCM.
Trước đó, tháng 6/2010, cơ quan chức năng Australia bắt giữ 7 tiếp viên của Vietnam Airlines để điều tra nghi vấn vận chuyển một số đồ điện tử từ nước này về Việt Nam.
2008 là năm tai tiếng nhất của VNA khi liên tiếp xảy ra 2 vụ việc liên quan đến nhân sự của hãng. Phi công Lại Quốc Việt bị bắt giữ tại Australia với cáo buộc 18 lần vận chuyển trái phép số tiền mặt tổng cộng 3,7 triệu AusD (3,4 triệu USD) từ nước này về Việt Nam.
Đến cuối năm, cơ phó Vietnam Airlines Đặng Xuân Hợp bị hải quan Nhật Bản bắt giữ do liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật Bản về Việt Nam. Phi công Hợp sau đó bị tòa án quận Saitama tuyên phạt 30 tháng tù treo kèm mức phạt 500.000 yen.
Sau mỗi hành vi sai trái của các phi công, tiếp viên, lãnh đạo Vietnam Airlines đều khẳng định không dung túng và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của hãng. Vào năm 2014, Tổng giám đốc VNA thậm chí đã yêu cầu tất cả tổ bay khi thực hiện nhiệm vụ trên các chuyến bay ra nước ngoài không được sử dụng vali to. Tuy nhiên, những vụ việc tương tự vẫn tái diễn.