Xót xa chồng tay ôm tro cốt vợ, tay bế con gái sinh non khóc ngất đòi sữa
Chiếc xe khách dừng trước cổng, người con rể nước mắt giàn giụa ôm hũ tro cốt của vợ vừa mất vì Covid-19 vào nhà, bà Nở vừa bế đứa cháu sinh thiếu tháng vừa khóc ngất gọi tên con gái trong vô vọng.
Hơn hai tháng nay, căn nhà của bà Bùi Thị Nở (50 tuổi, ngụ xã Dang Kang, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) chìm trong bầu không khí u uất, buồn bã. Tiếng ru cháu như ai oán của bà Nở khiến bà con lối xóm ai nấy đều xót xa trước sự ra đi quá sớm của con gái bà.
Bà Nở ôm đứa cháu gái sinh non còn đỏ hỏn vào lòng dỗ dành, nước mắt tuôn dài trên gò má đen sạm khi nghe chúng tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình.
Sau khi tốt nghiệp THPT, chị P.T.M (29 tuổi) – con đầu của bà Nở nhận thức được gia đình khó khăn và bố mẹ còn phải lo cho 3 em nhỏ đang tuổi ăn học nên xin vào TPHCM kiếm việc làm. Tại đây, chị M. tìm được việc làm bảo mẫu ở một trường mầm non tư thục.
Năm 2014, chị gặp và nên duyên với anh Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi, quê Phú Yên, làm nghề bảo vệ). Cả hai vợ chồng lấy nhau không có tài sản, thuê nhà trọ ở quận 9 để ở và đi làm mưu sinh.
Lương tháng của vợ chồng chị M. chỉ vào khoảng 10 triệu đồng, chi phí ăn ở cho cả nhà và cho con trai đầu (5 tuổi) đi nhà trẻ xong đã cạn tiền lương, dù cả nhà đã rất tằn tiện.
Đầu năm 2021, chị M. có thai lần thứ 2 và vui mừng khi biết tin đang mang thai con gái. Cả hai vợ chồng đều ấp ủ lên kế hoạch, cố gắng kiếm ít tiền gom góp để về quê nhà ở Đắk Lắk sinh con.
Chưa kịp về thì đại dịch bùng phát ở TPHCM, vợ chồng anh Tùng đành cầm cự ở trọ với chút tiền ít ỏi. Cuối tháng 7/2021, cư dân cả dãy nhà trọ nơi anh thuê ở đều nhiễm bệnh và gia đình anh cũng không là ngoại lệ.
“Tin cả gia đình mắc Covid-19 như sét đánh ngang tai. Nhìn vợ bụng bầu lớn đã hơn 7 tháng, con trai lại quá nhỏ để tự chăm sóc bản thân, hai vợ chồng ôm chầm nhau khóc. Giây phút vợ tôi rời khỏi nhà trọ, cô ấy rất lo lắng và dặn dò tôi nhớ quan tâm, chăm sóc cho con. Tôi không ngờ rằng lời nói ấy trở thành di nguyện cuối cùng của vợ”, anh Tùng nghẹn ngào.
Chị M. được đưa đi điều trị ở Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, anh Tùng được đưa đi điều trị tại một bệnh viện ở quận 2 và con trai được điều trị tại một trường học. Do đang mang thai giai đoạn cuối, sức khỏe của chị M. yếu, hô hấp kém và suy kiệt nên được chỉ định mổ bắt thai để cứu con.
“Trước khi lên bàn mổ, M. còn điện thoại về cho tôi, nó còn bảo “con ổn, mẹ đừng lo!” vậy mà oan nghiệt quá… Đấy là lần cuối cùng trong cuộc đời tôi được thấy con gái mình, nó chào mẹ để đi mổ lấy con chứ ai ngờ đó là lời chào cuối đời, sao xót xa quá sức quá chừng con ơi”, bà Nở òa khóc tức tưởi.
Con gái chị M. được mổ thiếu tháng, cân nặng chỉ được 2,5 kg. Ngay khi vừa chào đời, cháu bé lập tức được tách khỏi mẹ và được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng chăm sóc để tránh bị lây nhiễm bệnh dịch. Khi đã được chăm sóc cứng cáp, cháu bé được bàn giao cho người thân mang về quê nuôi dưỡng.
Về phần anh Tùng, sau khi khỏi bệnh, anh đã cùng con trai nhận tro cốt của vợ để đưa về Đắk Lắk an táng. Cả cuộc đời anh có lẽ không bao giờ quên chuyến xe cuối cùng anh được đồng hành cùng vợ.
Xe dừng trước cổng, anh Tùng đau đớn ôm hũ tro cốt của người vợ vào nhà. Bà Nở vừa bế đứa cháu sinh thiếu tháng vừa gào khóc tên con gái rồi ngất xỉu liên hồi.
“Đến giờ tôi vẫn không tin rằng vợ mình đã ra đi vĩnh viễn, mọi thứ như là một cơn ác mộng. Giờ đây, hai đứa con còn nhỏ thiếu đi hơi ấm, tình yêu thương, sự chăm sóc của mẹ, cả tương lai của hai đứa không biết sau này sẽ ra sao”, người bố trẻ lo lắng khôn nguôi.
Anh Tùng không có công việc ổn định, về quê vợ, anh chỉ biết xin đi hái cà phê thuê để kiếm đồng ra đồng vào mua sữa cho con. Anh cũng dự tính, sau khi dịch ở TPHCM được kiểm soát anh sẽ quay trở lại để tìm việc mưu sinh.
“Nếu không quay về TPHCM, cứ ở quê như này, tôi sợ không trụ nổi, tôi không có đất đai ruộng vườn, không biết làm gì ra tiền để nuôi con”, anh Tùng thở dài.
Do sinh non khi mới hơn 7 tháng, con gái của anh Tùng cũng hay bị ốm vặt và thường khóc ngằn ngặt đòi sữa. Nhìn hai đứa con ngây thơ, non nớt chưa thấu được sự ra đi của mẹ, anh Tùng như muốn đổ gục.
Để tránh cho chúng tôi thấy những giọt nước mắt đang trào ra từ khóe mắt, anh đứng vội dậy thắp nén nhang cho vợ rồi thầm thì trước bàn thờ “Em ở chốn ấy phù hộ cho ba bố con anh, cho gia đình mình em nhé!”.
Thương con cháu, vợ chồng bà Nở cũng quyết tâm rằng dù gia đình có nghèo, có khổ cực cũng cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng hai đứa trẻ để mẹ tụi nhỏ có thể an lòng nơi chín suối. Thời gian tới, vợ chồng bà sẽ bàn bạc cùng gia đình nhà nội để đưa ra hướng chăm sóc tốt nhất cho các cháu.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch UBMTTQ xã Dang Kang xác nhận, ngay sau khi nhận thông tin về trường hợp chị P.T.M tử vong do dịch Covid-19, phía chính quyền địa phương cũng nhiều lần đến thăm hỏi, động viên gia đình vượt qua khó khăn trước mắt.
“Do nguồn kinh phí của xã còn hạn chế nên phần hỗ trợ gia đình chị M. cũng không được nhiều. Chúng tôi cũng tha thiết mong các nhà hảo tâm rộng lòng giúp đỡ, để gia đình có thêm chi phí chăm lo cho hai cháu bé mồ côi mẹ do đại dịch”, ông Hiệp tha thiết.