Cố cõng con lên vai, cô Thu bước từng bước thật chậm, khom tấm lưng già vịn lấy cầu thang để đưa người con trai tật nguyền lên gác xếp. Ở cái tuổi 28, anh Tân chẳng khác nào đứa trẻ lên 3 khi điều duy nhất có thể làm là bập bẹ vài ba tiếng ngọng nghịu…
Cha nó bỏ rồi, có thương gì nữa đâu
12h trưa, căn phòng trọ nhỏ nằm trong hẻm 73A đường Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) bỗng rộn rã hơn. Sau tiếng xe máy nổ ì ạch, cô Thu bước vào nhà, vội chạy lại đỡ đứa con trai lớn đang nằm cong queo dưới nền nhà, nhoẻn miệng: “Mẹ về rồi đây”.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, cô Thu chạy xe máy từ công ty về nhà để lo cơm nước cho đứa con trai tật nguyền
Nghe thấy tiếng nói quen thuộc, anh Đào Duy Tân (28 tuổi, bị bại não bẩm sinh) co người lại, ú ớ cười, mừng rỡ. Nhiều năm nay, người dân sinh sống tại đường Lê Đình Cẩn đã quen thuộc với hoàn cảnh của 3 mẹ con cô Trương Thị Thu (51 tuổi, quê Lâm Đồng). Sau khi chồng bỏ đi tìm hạnh phúc mới, một mình cô Thu phải gồng gánh nuôi 2 người con tật nguyền, đứa lớn đã 28 tuổi, đứa nhỏ vừa qua tuổi 20.
Ngồi cạnh con trai, cô Thu loay hoay bới chén cơm rau xay nhuyễn, vuốt nhẹ tấm lưng gầy của con, động viên: “Tân của mẹ ráng ăn cho hết rồi ở nhà ngoan, mẹ đi làm chiều lại về với Tân”.
Nụ cười ngây dại của Tân khi thấy mẹ về nhà…
28 tuổi, Tân chẳng khác gì một đứa con nít khi chẳng đi đứng, vệ sinh gì được bởi bệnh bại não bẩm sinh. Dù chăm sóc có phần cực khổ nhưng với cô Thu, việc được nhìn thấy con trai mỗi ngày đã là điều hạnh phúc nhất.
Đưa đôi tay sần sùi quệt nước mắt, cô Thu nghẹn lời: “Cô sống với 2 đứa con, lên Sài Gòn 18 năm rồi, có điều cả 2 đều bại não, thằng Tiến (21 tuổi) thì nhẹ hơn Tân, nó đi đứng được, giờ đang học ở trường khuyết tật bên quận 3, cuối tuần mới về nhà trọ”.
Hàng ngày, cô Thu đi làm công nhân cho một công ty nằm trên địa bàn quận Bình Tân, đến trưa lại chạy về lo cơm nước cho Tân, căn trọ nhỏ được cô ở ghép cùng với 2 người cháu để đỡ chi phí. Cũng vì hết duyên, hết nợ, chồng cô Thu đã lặng lẽ bỏ mấy mẹ con mà đi tìm hạnh phúc mới khi Tiến vừa lên 3. Suốt 18 năm ròng vừa làm cha, làm mẹ, cô Thu chỉ biết trông cậy vào mấy đồng tiền lương ít ỏi để lo cho 2 đứa con tật nguyền.
“Cha đâu rồi con, nói cho anh nghe đi”, cô Thu chua xót hỏi Tân rồi bật khóc. Thấy vậy, Tân cũng khóc theo.
“Cha tụi nó bỏ rồi, có còn thương gì nữa đâu, cắt hết mọi liên lạc, Tân nó hiểu hết, cứ nghe thấy cha là nó lắc tay, nó cười nghẹn. Gần 20 năm, cô quen rồi”, cô Thu chua xót.
Dù 2 đứa con mắc phải chứng bệnh không thể nào chữa khỏi nhưng lúc nào cô Thu cũng nhen nhóm một hi vọng để cứu con. Những năm đầu phát hiện bệnh, cô Thu hầu như đưa 2 đứa con đi khắp nơi để chạy chữa, ai chỉ gì cũng làm bởi lúc nào cô cũng mong một ngày nào đó, con trai mình cũng giống như người ta, biết nói cười, biết đứng đi, biết học hành hiếu đạo…
Nghe mẹ nhắc đến cha, anh Tân dường như cảm nhận được cũng òa khóc
“Lúc trước cũng có nhiều người nói này nọ, bảo sống sao thì đẻ con ra mới như vậy, cô nghe buồn lắm, tự dằn vặt chính mình. Giờ thì cô chỉ biết cuộc sống của mình là 2 đứa con, cứ vô tư hạnh phúc bên con mình, vậy là đủ rồi”, cô Thu nói.
“Mình cứ coi 2 đứa con là thiên thần, sao mà lại không thương”
Vừa cho anh Tân ăn cơm, cô Thu tranh thủ ăn túi cơm chiên rau củ lúc sáng để kịp giờ đến công ty
Sau đợt dịch Covid-19, dù không nằm trong số bị cắt giảm lao động nhưng thu nhập ít nhiều giảm sút khiến 3 mẹ con cô Thu lao đao. Ngoài tiền cơm ngày ba bữa, mỗi tháng cô Thu còn phải tốn một khoản tiền thuốc men, lo bệnh tật cho Tân – Tiến.
Nếu như Tiến có thể tự lo mọi sinh hoạt cá nhân, đi đứng được, cả tuần đi học ở trường khuyết tật thì Tân bệnh nặng hơn, từ ăn uống, vệ sinh đều phải lo một tay cô Thu lo liệu. Mấy tháng trước Tân bị tắc đường ruột, nằm viện hơn một tháng trời, số tiền ít ỏi dành dụm cũng dồn vào hết để chạy chữa cho Tân.
Dù công việc cực nhọc, đi đi về về để lo cho con nhưng nếu không có nghề công nhân, cô Thu chẳng biết xoay xở như thế nào.
“Nhiều người bảo đi ra ngoài làm lương cao hơn nhưng ở đây được cái cố định, tháng nào cũng đủ thứ tiền cần phải chi, ra ngoài bấp bênh lắm, sợ đủ thứ cả. Năm nay cô 51 tuổi rồi, vài năm nữa về hưu, nhưng thôi kệ, tới đâu hay tới đó, chắc ông trời không triệt đường của ai bao giờ đâu”, cô Thu cười nghẹn.
Ngoài đồng lương ít ỏi kiếm được, mỗi tháng cô Thu còn nhờ vào khoản tiền trợ cấp khuyết tật của 2 đứa con tại quê nhà Lâm Đồng (tầm 800 ngàn) nên tằn tiện vẫn lo đủ cơm ngày 3 bữa. Chỉ sợ những lúc 2 đứa con bệnh tật, tiền thuốc men ngoài danh mục bảo hiểm nhiều, cô lại chẳng biết vay mượn ở đâu.
“Cô chỉ mong thằng Tiến sau này có thể tự mình lo cho bản thân, có được công việc nào đó, còn Tân thì ở với cô, 2 mẹ con nương tựa nhau thôi. Mình cứ coi 2 đứa là thiên thần của mình, chúng nó có tội tình gì đâu, nếu 2 đứa không bị bệnh, có thể mình sống thoải mái hơn, nhưng tất cả là số phận, đâu thể nào trách ai được. Nhiều lúc cô nghĩ nếu giờ mà sống thiếu 2 đứa này chắc cô không sống nổi, quen rồi đâu thể nào mà bỏ con được”, nói đoạn cô Thu quay sang nhìn Tân, 2 mẹ con cười, hạnh phúc.
Trong căn nhà nhỏ, cô Thu múc từng muỗng thức ăn, nhẹ nhàng đút cho Tân, vừa tranh thủ ăn vội tô cơm còn lại lúc sáng để kịp giờ vào làm việc. Mười mấy năm, cuộc sống của 3 mẹ con cứ lặp đi lặp lại, riết rồi trở thành điều tuyệt vời nhất của nhau.
Tân – Tiến cần có mẹ cũng như cô Thu cần có con. Dẫu cho ở ngoài kia, có nhiều thứ lung linh hơn nhưng chẳng thể nào so bì được với hạnh phúc giản đơn mà cả gia đình cô Thu đang có được, dù nó có phần móp méo, đau thương…