Suốt 5 năm qua, người phụ nữ có chân, phải di chuyển bằng đầu gối lót trên đôi dép cao su tự chế vẫn miệt mài chăm sóc người chồng bị liệt ở bệnh viện.
Đều đặn hàng ngày, dọc hàng lang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) vẫn in hằn “dấu chân đặc biệt” của người phụ nữ 35 tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Dáng người nhỏ bé, trên đôi dép cao su được chế tạo đặc biệt, chị vẫn vững bước đi lại bằng đôi chân bị cắt ngang bắp. Lắm lúc bỗng dưng trở thành tâm điểm bất đắc dĩ trước những ánh mắt tò mò, người phụ nữ chỉ cười và vẫn bước tiếp, chị nói mình đã quen với điều này!
Nhân duyên của người phụ nữ cụt 2 chân cùng người đàn ông bị liệt nửa người
Chị là Nguyễn Thị Đào (quê Tuyên Quang) không may bị tật nguyền bẩm sinh nên không thể đi lại được như người bình thường. Nhiều năm trời, chị phải bò hoặc di chuyển bằng 2 đầu gối. Năm 20 tuổi, cuộc phẫu thuật thành công đã đem lại một phép màu cho người phụ nữ đáng thương. Chị có thể đứng lên đi lại bằng chính đôi chân của mình và tự trang trải cuộc sống bằng nghề may. Chị có cuộc sống hạnh phúc bên chồng và 2 người con thơ.
Tuy nhiên 10 năm sau, vết mổ bị nhiễm trùng, sau hội chẩn các bác sĩ chỉ định phải cắt ngang bắp chân, chấm dứt những ngày tháng trước đó chị Đào từng nghĩ sẽ mãi mãi tươi đẹp về sau. Trước tình cảnh này, người đầu ấp tay gối cũng bỏ chị mà đi bặt vô âm tín. Chị gồng mình mạnh mẽ bước lên bàn mổ một lần nữa và quyết không đầu hàng số phận.
Chị Đào tự chế một đôi dép cao su đặc biệt gắn vào phần bắp chân để có thể đi lại như bình thường. Dù những ngày đầu có hơi khó khăn, bằng đôi chân đặc biệt chị ra ngoài mưu sinh nuôi 2 đứa con thiếu vắng tình cha.
Một số phận khác là anh Nguyễn Văn Cường (quê Thái Nguyên) khi cách đây 14 năm, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã khiến người đàn ông khỏe mạnh bị đứt ruột, hỏng 1 bên thận, gãy 2 xương sườn và liệt tủy sống.
Sau 1 năm tích cực điều trị ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), anh Cường về nhà tiếp tục hồi phục sức khỏe với sự chăm sóc của người vợ đầu. 3 năm sau vụ tai nạn, vợ bỏ đi không lời từ biệt để lại 2 đứa con thơ, 1 đứa 6 tuổi và 1 đứa 3 tuổi. Anh Cường chỉ biết, người đó đã sang Trung Quốc lập gia đình mới và đã có con.
Chị Đào và anh Cường vốn là 2 người xa lạ nhưng cùng có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Duyên số đưa đẩy anh chị gặp nhau trong 1 lần cùng đi bán tăm ở chợ. Người này lắng nghe câu chuyện của người kia và tìm thấy hình ảnh của mình qua những giọt nước mắt. Kể từ đó 2 con người không may mắn quyết về chung 1 nhà mặc sự phản đối của gia đình chị Đào và những lời dị nghị, gièm pha của hàng xóm.
Năm 2012, chị Đào và anh Cường nên duyên vợ chồng. Gia đình nhỏ đầy ắp tiếng cười của 4 đứa con tuy mang 2 dòng máu khác nhau nhưng không hề có chuyện anh chị phân biệt tình yêu dành cho con đẻ, con riêng.
Được biết 2 bé ở cùng bố mẹ, 2 bé còn lại chị Đào gửi về quê ngoại ở Tuyên Quang. “Tuy ít có cơ hội gặp nhau nhưng mỗi khi quây quần chúng lại vui vẻ, hân hoan lắm”, chị chia sẻ. Cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng hàng ngày vợ chồng cùng nhau đi chợ, anh hát rong chị bán những đồ lặt vặt như tăm bông, kẹp tóc… kiếm thêm thu nhập cho gia đình nhỏ.
Một thời gian sinh sống, bệnh tình anh Cường chuyển biến xấu, đôi chân buộc phải cắt bỏ vì bị hoại tử. Trong nhà chiếc xe lam vốn được xem là phương tiện mưu sinh hàng ngày cũng đành bán đi để có tiền trang trải viện phí. Người đàn ông đã không thể cùng vợ đi chợ mỗi ngày, chỉ còn biết nằm một chỗ không thể đi lại, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai người phụ nữ 35 tuổi…
Điều ước của 2 vợ chồng dù thế nào cũng không đầu hàng số phận
Cơ thể anh Cường mang đầy dấu vết của những cuộc phẫu thuật từ tai họa ập đến năm 2003: Vết sẹo dài mổ nối ruột, vết mổ sỏi thận,… Mới đây nhất anh phải tiến hành nạo phần thịt hoại tử bên trong khiến cơ thể đau đớn, nhiều đêm thao thức không thể chợp mắt. Túc trực bên giường bệnh của chồng, chỉ cần anh gọi chị Đào liền tỉnh giấc chăm sóc, hỏi anh đau ở đâu hay cần gì.
“Trong cuộc sống, không ai toàn vẹn cả. Mình không may bị thế này nhưng lúc nào cũng phải lạc quan lên, nghĩ tới mấy đứa con mà cố gắng sống để chúng còn có bố”, anh Cường bộc bạch.
Những lần chồng chuẩn bị lên bàn mổ, chị Đào lại phải ký vào giấy cam kết. Dù không còn là lần đầu tiên nhưng chị vẫn thấy run… “Khó khăn thì mình phải khắc phục thôi, chứ nhà bây giờ cũng chẳng có ai. Chỉ mong lúc đi có 2 vợ chồng, khi về vẫn còn cả 2”, chị Đào thổ lộ.
Những ngày ở viện chăm sóc chồng, chị Đào giống như một người y tá riêng của anh Cường vậy. Được y tá hướng dẫn những bước cơ bản, chị có thể tự thay băng cho anh nếu không có gì nguy hiểm. Đây đã trở thành một công việc hàng ngày, chị làm đến mức thuần thục. Dẫu sao chị vẫn muốn chính mình sẽ là người ở bên, quan tâm chăm sóc người chồng của mình.
Trong khoảng thời gian anh Cường nằm viện, chị Đào vẫn tranh thủ đi chợ bằng đôi chân bị cắt ngang bắp đó. Theo lời các bác sĩ, nếu chị tiếp tục di chuyển như hiện tại thì đầu gối sẽ nhanh chóng bị hỏng và khả năng cao phải cắt bỏ. Được biết chi phí bỏ ra để có được đôi chân giả là 300 triệu đồng, hai vợ chồng nhìn nhau như chẳng dám mơ tới.
“Số tiền đó là quá sức với anh chị. Chị chỉ mong anh nhanh chóng bình phục để ra viện. Còn đôi chân trụ được ngày nào hay ngày ấy”, chị Đào tâm sự.
Đôi chân đặc biệt của chị Đào đã cùng chị đi suốt 5 năm kể từ ngày làm vợ anh Cường nhưng chưa bao giờ chị than phiền hay kêu la. Chị bảo chị không hy vọng gì cả, chỉ biết 2 vợ chồng sẽ nương tựa vào nhau đi qua những ngày nắng cũng như những ngày mưa.
Vẫn dọc hàng lang bệnh viện, đôi chân chị Đào chưa bao giờ biết gục ngã, vẫn đều đặn đi đi về về mỗi ngày.