Khu nhà Tổng lãnh sự quán Pháp TP HCM chiếm hai mặt tiền ở ngã tư Lê Duẩn – Mạc Đĩnh Chi, quận 1. Trong khuôn khổ chương trình Ngày Di sản châu Âu 2023, địa điểm mở cửa tham quan miễn phí, chào đón cư dân thành phố và du khách một ngày duy nhất 16/9. Ảnh: Thịnh Vượng
Xưa kia, tòa dinh thự nằm trên khu đất được gọi là ‘cao nguyên giữa Sài Gòn’, với địa thế cao hơn sông Sài Gòn và vùng đất sình lầy xung quanh. Tòa nhà được các kỹ sư hải quân xây dựng năm 1872, dành cho đô đốc Maire Jules Dupré lúc bấy giờ.
Đi qua nhiều biến động lịch sử, dinh thự được dùng làm nơi sinh sống, làm việc của nhiều đời đại sứ, tướng lĩnh Pháp tại Đông Dương. Sau sự kiện 30/4/1975, nơi đây trở thành Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP HCM. Ảnh: Phong Kiều
Dinh thự cao hai tầng, hội tụ những điểm đặc trưng của kiến trúc cổ điển Pháp với cổng mái vòm, hành lang cửa sổ lớn, kết hợp vẻ uy nghi của không gian biểu trưng cho quyền lực với tính tiện nghi của nơi ở riêng. Tòa nhà không sửa chữa lần nào từ năm 1969, tới năm 2000 mới trùng tu toàn bộ. Ảnh: Thịnh Vượng
Hai tầng lầu của dinh thự đều có hành lang bao quanh bốn mặt. Lối thiết kế này mang mục đích thích ứng khí hậu bản địa, đồng thời bảo vệ tòa nhà khỏi tiếng ồn bên ngoài và các hiện tượng thời tiết. Mỗi hành lang có 32 cửa chớp xanh lá cao 5 m, giúp lưu thông không khí và đón ánh nắng vừa đủ. Ảnh: Phong Kiều
Là lối đi đón mọi khách mời đến phòng khánh tiết, hành lang tầng trệt được trang trí tỉ mỉ, bày nhiều bàn ghế cổ, đồ gốm tinh xảo. Ảnh: Phong Kiều
Những bậc thang gỗ đón nắng qua ô cửa dinh thự cổ điển. Ảnh: Thịnh Vượng
Cầu thang gỗ xoắn ốc lưu giữ màu thời gian. Ảnh: Phong Kiều
Tầng trệt của dinh thự có hai phòng ăn nối liền nhau. Phòng ăn nhỏ dành cho các bữa ăn trưa, buổi tiệc tối với lượng ít người tham gia. Căn phòng được thắp sáng bởi ánh đèn vàng ấm cúng, bày biện nội thất theo phong cách sang trọng với bàn ghế gỗ, đồ gốm sứ và tác phẩm hội họa. Ảnh: Phong Kiều
8 bức khảm trai mô phỏng các trận đánh trong tích truyện và lịch sử Trung Hoa tạo nên vẻ đẹp cổ kính ở một góc phòng. Ảnh: Thịnh Vượng
Bàn viết đặt một ống điếu thuốc phiện, tượng đầu rắn Naga thời kỳ Champa (thế kỷ 10). Ảnh: Phong Kiều
Những chiếc tô, liễn, bình gốm mang ‘màu xanh Huế’ được các nghệ nhân Trung Hoa chế tác theo yêu cầu của triều đình nhà Nguyễn – Việt Nam, cuối thế kỷ 20. Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Pháp, các món đồ cổ này không được bày bán trên thị trường nội địa Trung Quốc đương thời. Ảnh: Phong Kiều
Phòng ăn lớn phục vụ các buổi tiệc quy mô lớn, sử dụng dụng cụ ăn uống sang trọng. Ảnh: Phong Kiều
Các tượng Phật được bày trang trí trên bệ cửa sổ của phòng ăn lớn. Ảnh: Thịnh Vượng
Bên ngoài phòng tiệc đặt tủ kính trưng bày các loại dao, nĩa, muỗng dùng cho nhiều loại đồ ăn trên bàn tiệc. Ảnh: Phong Kiều
Từ khung cửa của hành lang dinh thự trông ra là khoảng vườn ngập màu xanh cây cỏ dưới nắng. Ảnh: Phong Kiều
Với khu vườn rộng, bao quanh bởi những con đường rải sỏi cùng không gian tĩnh tại, tòa dinh thự dẫn bước khách tham quan bước vào chốn trữ tình và êm ả, tưởng như tách biệt với phố phường huyên náo bên kia cánh cổng sắt.
Đến tham quan, du khách được phát tặng một tấm postcard vẽ hình dinh thự. Thông qua một ứng dụng điện thoại, hình ảnh, thông tin trên postcard chuyển động trên nền nhạc, tóm tắt câu chuyện hơn một thế kỷ của tòa nhà. Ảnh: Thịnh Vượng
Tượng Phật và tượng Thần Rắn trong khuôn viên dinh thự cổ. Ảnh: Phong Kiều
Lăng mộ một số tướng lĩnh Pháp tử trận trong chiến tranh nằm ở một góc vườn. Ảnh: Phong Kiều
Thông qua ứng dụng điện thoại, câu chuyện về dinh thự Pháp cổ được kể sinh động trên tấm postcard
Phong Kiều