“Cầu xin các nhà hảo tâm giúp con tôi có đủ tiền điều trị để nó được sống, về nhà. Tôi chỉ cần vậy thôi…”, người mẹ nghèo khóc nức nở bên giường bệnh con trai.
Nằm trên giường bệnh của khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM), anh Lương Minh Hoàng Vũ Bảo (53 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) chốc chốc lại nhăn mặt, lộ vẻ đau đớn. Từng là người trụ cột trong gia đình, người đàn ông bỗng bất ngờ phải nằm một chỗ.
Bất ngờ lâm trọng bệnh khi đang nuôi mẹ già
Khi tiếp chuyện phóng viên, bệnh nhân Vũ Bảo đã ốm trơ xương, cơ thể dường như chỉ còn chút sức lực nhỏ nhoi. Không thể tin nổi, mới hơn 5 tháng trước, đó còn là một người đàn ông khỏe mạnh.
Anh Vũ Bảo kể, nhiều năm qua anh thuê nhà trọ sinh sống trên địa bàn huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Hằng ngày, anh đi làm hồ cật lực để kiếm tiền nuôi mẹ già. Cũng vì quá lo lắng cho mẹ, đã qua tuổi ngũ tuần nhưng người con vẫn ở vậy, không lập gia đình.
Một ngày tháng 4, anh Vũ Bảo thấy cơ thể không khỏe, hai chân đau nhức. Đến khám tại một phòng mạch tư, người đàn ông được chẩn đoán đau cột sống và có sỏi nhỏ hai bên thận. Nghĩ bệnh không quá nặng, anh vẫn đi làm như bình thường, chỉ uống thuốc cầm cự cho qua ngày.
Khoảng 2 tháng sau, bệnh nhân đột ngột suy giảm sức khỏe trầm trọng, phải nhập viện hơn 10 ngày vì tình trạng thiếu máu nặng, tay chân rất yếu.
Lúc này, bệnh nhân được chỉ định chuyển đến tuyến trên tiếp tục điều trị. Nhưng chỉ vài ngày nằm viện, vì hoàn cảnh khó khăn lại không có bảo hiểm y tế, bệnh nhân và gia đình chủ động xin về tự chăm sóc vì không kham nổi viện phí.
Trải qua nhiều tuần tự uống thuốc và châm cứu tại nhà, tình trạng bệnh nhân Vũ Bảo không thuyên giảm mà ngày càng trở nặng. Đầu tháng 9, người đàn ông phải vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu.
Bác sĩ Dương Phương Nhi, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 1/9 trong tình trạng đau lưng, hai chân yếu dần đi, loét tì đè rất nặng, nhất là vùng cùng cụt. Tình trạng nhiễm trùng cũng không được kiểm soát, ngày nào bệnh nhân cũng sốt.
Đáng chú ý, qua làm các xét nghiệm kiểm tra và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị u tủy đã di căn xa qua gan, phổi.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc, đặt máy hút áp lực âm VAC tại các ổ loét để ngăn vi khuẩn làm bệnh nhân nhiễm trùng nặng hơn. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này rất tốn kém.
Ngoài ra, bệnh nhân phải sử dụng các kháng sinh mạnh. Riêng căn bệnh u tủy của bệnh nhân phải được theo dõi sát để kịp thời xử lý các biến chứng có thể bất ngờ xảy ra.
Gượng bán từng tờ vé số cứu con trong bất lực
Từ ngày con trai nằm liệt giường, bà Hoàng Thị Ngọc Yến (73 tuổi, mẹ anh Bảo) không còn cách nào khác, phải tìm cách kiếm tiền lo cho bệnh nhân. Tuổi đã cao, sức lại yếu, bà chọn cách lấy vé số bán xung quanh bệnh viện. Mỗi ngày nếu có nhiều người mua ủng hộ, bà kiếm được trên dưới 60.000 đồng.
Số tiền này chỉ cầm cự được chuyện ăn uống tạm bợ, không thể lo được khoản viện phí được dự báo có thể lên đến hàng trăm triệu đồng để níu mạng sống cho anh Vũ Bảo.
Theo bà Yến, chồng bà mất sớm, con trai lớn của bà ở vậy nuôi mẹ, không lập gia đình. Bà còn những người con khác nhưng ai cũng nghèo, phải đi ở nhà mướn, không giúp gì được cho anh Bảo khi bi kịch ập đến.
Vì đã kiệt quệ, đến chiếc xe máy cũ mà con dùng đi làm mỗi ngày, người mẹ cũng cắn răng bán để đóng viện phí.
“Hồi còn khỏe, Bảo đi làm lo hết mọi thứ, từ tiền trọ, tiền điện nước, chợ búa, mẹ chỉ ở nhà nấu cơm nước. Giờ nó đổ bệnh, tôi phải bán vé số. Thấy nó đau khổ quá, mà tôi không biết cách gì cứu được…”, mẹ già ngậm ngùi nhớ lại những ngày tháng cũ.
Bệnh tật hành hạ, lại chứng kiến mẹ phải vất vả lo cho mình, nỗi đau của người con trai như tăng lên bội phần.
“Lúc mới phát bệnh, mình chỉ nghĩ bị đau xương sống chèn ép không đứng được thôi. Giờ nghe bác sĩ nói bị u tủy di căn, bệnh nặng như vậy, tôi rất sợ”, người con nói giọng thều thào, yếu ớt.
Rót ly nước lặng lẽ đút cho con trai uống, nước mắt bà Yến lăn dài. Nghe phóng viên hỏi mong ước hiện tại, mẹ già quệt cặp mắt đỏ hoe, rồi bỗng chắp tay, vừa nói vừa như vái lạy:
“Mong các nhà hảo tâm giúp con tôi tiền chữa trị, để nó được sống, mau chóng bình phục về nhà. Giờ tôi chỉ cần như vậy thôi, không cần thêm gì hết”.