Vừa vào đầu năm học mới, nhiều phụ huynh đã nhanh tay đăng ký các lớp học thêm kín tuần cho con với hy vọng học tại nhà cô sẽ không bị “đì”, kết quả học tập đẹp hơn.
Không học thêm cô sẽ… ‘đì’?
“Buổi học phụ huynh đầu năm học của con tôi hôm cuối tuần trước kết thúc bằng tờ giấy đăng ký học phụ đạo các môn Toán, Văn, Anh tại nhà cô giáo vào các buổi tối trong tuần”, chị Nguyễn Thị Hiền (46 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói.
Thay vì để phụ huynh về nhà tham khảo, hỏi ý kiến của con, thì giáo viên chủ nhiệm lớp thúc giục đăng ký nộp lại luôn, không chụp ảnh lại. Cô cũng “động viên” phụ huynh cứ đăng ký trước để xếp lớp, nếu ai sau này có nguyện vọng đổi hoặc không muốn theo học thì gặp cô để xoá bỏ, “chưa vội đóng tiền học”.
Nhiều người quan niệm học trên lớp là phụ, học thêm là chính. (Ảnh minh hoạ: T.N)
“47 phụ huynh trong lớp nhìn nhau, không ai thắc mắc thêm, cùng tặc lưỡi đăng ký trước cho con”, người mẹ có con học lớp 9 nói.
Gia đình có hai con, đứa lớn đang học lớp 11, đứa nhỏ lớp 9 nên chị Hiền cũng khá quen với việc ban ngày con học chính theo thời khoá biểu ở trường, chiều tối về lại cắp sách sang nhà cô chủ nhiệm học thêm. Trung bình mỗi tháng gia đình chị chi khoảng 8 – 10 triệu đồng tiền học thêm cho hai con, chủ yếu các môn Toán, Văn, Anh.
Hơn 10 năm nuôi con ăn học là chừng ấy năm chị chịu trách nhiệm chính trong việc đưa đón con mỗi chiều từ trường về nhà cô học thêm, “gia đình coi đó như việc nghiễm nhiên không thể thiếu”.
Chị Hiền cũng đôi lần tự hỏi nhiều lần theo dõi báo, đài thấy thông tin về các địa phương yêu cầu không tổ chức dạy thêm, học thêm, nhưng đến khi đi họp phụ huynh giáo viên vẫn công khai thông báo mở lớp và phụ huynh không ai ý kiến gì, răm rắp nghe theo.
Với kinh nghiệm nuôi hai con, người phụ này này hiểu rằng, học thêm ở trường có thể sẽ không tốt bằng các trung tâm ôn luyện nổi tiếng nhưng vẫn lựa chọn cho con đăng ký theo gợi ý của giáo viên chủ nhiệm. “Dẫu sao việc con theo học các lớp học thêm do giáo viên ở trường mở sẽ được ưu ái con hơn, không bị thầy cô đì hay gây khó dễ, kết quả học tập cũng đẹp hơn”, phụ huynh này nói.
Năm nay, con chị Lê Phương Uyên (42 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vào lớp 6. Ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm, một phụ huynh ghé vào tai thủ thỉ mời chị đăng ký cho con tham gia lớp học thêm môn Toán tại nhà cô giáo chủ nhiệm.
Suốt 5 năm cấp 1, gia đình chị không cho con học thêm bất kỳ lớp nào vì mong con được thoải mái vui chơi, không chịu nhiều áp lực đèn sách. Thế nhưng khi lên cấp 2, cuộc đua học thêm bắt đầu nóng, gia đình chị Uyên đành phải tính đến phương án cho con theo học cho bằng bạn bằng bè và được cô giáo quan tâm hơn.
Chị nhớ như in lần đầu đưa con đến nhà cô, căn phòng rộng chừng 40m2 với 18 bàn chia làm 2 dãy. Mỗi bàn 4 học sinh ngồi. Lớp đông không khác gì buổi học chính khoá. Mỗi buổi học không rẻ, 150.000 – 200.000 đồng/ca 2 tiếng nhưng không hiểu sao phụ huynh vẫn đua nhau đăng ký cho con học.
“Tâm sự với một số phụ huynh trong lớp tôi mới biết, việc cho con đi học thêm ở nhà cô giáo để ‘tạo quan hệ’ là chính. Học sinh nào tới nhà cô học đều được ưu ái hơn những bạn không học. Quan trọng hơn phụ huynh không lo bị cô soi hay trù dập”, chị Uyên nói.
Hiện con gái chị tham gia 3 lớp học thêm từ 2 đến thứ 7 hàng tuần (lớp Toán học vào thứ 2, 4, lớp Văn học thứ 3, 6 và lớp tiếng Anh học vào tứ 5, 7). Các cô dạy thêm này đều là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn của con, nhờ đó chị cũng phần nào yên tâm, không lo lắng về kết quả học tập của con. Chị tin con học thêm ở nhà cô sẽ được ưu ái, quan tâm nhiều hơn về điểm số, chất lượng.
Từ bí mật đến công khai mà không bị tuýt còi?
Từ chục năm nay, trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) công khai mở trung tâm dạy thêm với tên gọi “Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức” đủ loại hình luyện thi, cả lâu dài cũng như cấp tốc.
Trước đây, trung tâm này thường chỉ dành cho đối tượng học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 và đại học, nhưng vài năm nay mở cho cả đối tượng lớp 3 để ôn thi vào các trường THCS chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội. Ngoài các môn ngoại ngữ, trường còn ôn thi theo combo các môn phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh của từng cấp, bậc học.
Trường THPT này tuyển sinh gần như trên cả nước, rất động học sinh đổ xô mỗi cuối tuần về học. Thậm chí, trường ra đề thi riêng nên càng thu hút phụ huynh cho con đăng ký theo học với mong muốn luyện thi chính thầy cô của trường sẽ “biết cách” làm bài để đạt điểm cao, tăng tỷ lệ đỗ hơn.
Mức học phí trường đưa ra dao động 200 – 260.000 đồng/buổi/học sinh tuỳ vào cấp độ lớp học online hay trực tiếp, cấp tốc hay lâu dài.
Nắm được tâm lý của phụ huynh “học chính lớp giáo viên dạy ở trường bao giờ cũng chất lượng và nội dung ôn luyện sát với đề thi hơn”, nhiều giáo viên đã mở lớp dạy thêm tại nhà bất chấp quy định.
Một cô giáo bật mí, số tiền kiếm được từ dạy thêm các lớp này mỗi tháng lên đến vài chục triệu đồng. Các lớp học thêm ôn luyện này diễn ra hoàn toàn tự nguyện, đa dạng các thành phần học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 với chung mục tiêu ôn thi vào ngôi trường tốt.
Lịch học các lớp của giáo viên này diễn ra vào tất cả các buổi tối trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7, mỗi ca 2 tiếng dạy tại nhà riêng với khoảng 15 -20 em/lớp. Mỗi buổi học sẽ có mức phí 150 – 200.000 đồng/em.
Khi được hỏi về việc cấm dạy thêm nhưng sao vẫn mở lớp, cô giáo này biện minh lớp chỉ khoảng 20% học sinh của cô ở trường, còn lại phần lớn là các em trường ngoài theo học với mong muốn vào được trường cấp 3 mơ ước. “Các em tự nguyện, mục đích ôn thi vào trường top đầu nên tôi đáp ứng nhu cầu, thuận mua vừa bán, hoàn toàn không có sự ép buộc”, cô nói.
Cựu giáo viên Đinh Bích Huyền (62 tuổi, Hà Nội) cho rằng, dạy thêm cũng có những mặt tốt nhưng bị lạm dụng sẽ không đem lại hiệu quả và gây tốn kém thời gian tiền bạc, sức khỏe của phụ huynh và học sinh. Đáng lo nhất, tâm lý nhiều phụ huynh cho con đi học thêm cốt để tránh không bị giáo viên “đì”. Điều này vô tình tiếp tay các lớp học thêm nở rộ, giáo viên không cần giỏi cũng mở lớp dạy thêm, miễn sao thu được tiền từ học sinh.
Theo quy định hiệu trưởng được giao làm trưởng ban kiểm tra giáo viên của trường mình có dạy thêm không, nhưng thực tế bao nhiêu năm qua chưa thấy trường hợp nào trường làm mạnh tay vấn đề này, chủ yếu vẫn bao che cho hoạt động dạy và học thêm.
Cô Huyền cho hay chỉ cần đến khu vực gần các trường tiểu học, THCS hỏi người dân quanh đó về giáo viên nào đang dạy thêm, mong muốn cho con học, từ trẻ em đến người già đều biết và chỉ dẫn cụ thể. Tuy nhiên từ thanh tra giáo dục quận đến hiệu trưởng các trường bao năm qua đều không phát hiện ra sự vụ nào. Vì thế, dù Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT có cấm đến đâu thì các lớp dạy thêm vẫn cứ tràn lan như nấm mọc sau mưa.
“Các cấp quản lý ngành giáo dục thực sự không biết đến tình trạng này, hay tất cả đều “mắt nhắm, mắt mở” cho qua việc giáo viên dạy thêm này? Thầy cô dạy thêm để cải thiện cuộc sống là chính đáng, nhưng bất hợp lý ở đây là họ dạy thêm chính học sinh trên lớp của mình, ai không đi sẽ bị nhắc nhở, hỏi thăm thường xuyên gây áp lực”, nữ giáo viên thẳng thắn nói.
Càng cấm càng dạy
Tháng 5/2012, Bộ GD&ĐT ra Thông tư 17, là cơ sở pháp lý cao nhất để quản lý dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2016 bỏ dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, khiến việc cấp phép cho hoạt động này bị vô hiệu. Vì vậy, tháng 9/2019, Bộ GD&ĐT công bố, 8 trong số 22 điều của Thông tư 17 hết hiệu lực.
Tháng 3/2023, trả lời cử tri về vấn đề dạy thêm học thêm ngày càng nở rộ, bất chấp lệnh cấm, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện một số quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, như: nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.
Bất chấp lệnh cấm, hoạt động dạy thêm vẫn tiếp diễn mỗi ngày. (Ảnh minh hoạ: T.N)
Thông tư 17 cũng nêu rõ, giáo viên không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm… Thông tư này còn quy định: “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…”.
Tuy nhiên, một số quy định của Thông tư 17 cũng được các chuyên gia giáo dục chỉ ra là đã lỗi thời khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó có quy định: “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”…
Nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất, giáo dục địa phương, tiếng Anh, tin học; âm nhạc, mỹ thuật,… đã đưa vào là các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, chương trình mới cũng thiết kế bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày với học sinh tiểu học.
Do vậy, không lý do gì lại được phép dạy thêm tại trường tiểu học các hoạt động như tăng cường kỹ năng sống, nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Trước ý kiến cần sửa đổi và thay thế Thông tư số 17, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau khi được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 17 nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.