10 năm qua, cụ ông mắc ung thư phải gồng mình chăm sóc người vợ nằm liệt giường. Cụ ước “mua được tí thịt cho bà lão đỡ tủi lòng, khi vợ chồng tôi chết có cái nhà lành lặn để bà con đến làm ma”.
Con út qua đời vì ung thư máu, vợ gặp nạn không tiền chữa trị
“Hoàn cảnh gia đình ông Phạm Xuân Thường là trường hợp đặc biệt của địa phương chúng tôi. Gia đình ông là hộ nghèo nhiều năm của phường, chưa biết bao giờ có thể thoát được nghèo.
Ông Thường năm nay đã 83 tuổi, lại mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng khốn nỗi 10 năm qua ông lại là chỗ dựa chính cho người vợ nằm liệt giường”, ông Đỗ Thanh Giàng, tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ.
Con ngõ nhỏ ngoằn ngòeo, trơn trượt đưa chúng tôi đến căn nhà cũ nát xiêu vẹo của gia đình cụ Thường. Vượt qua khoảng sân hẹp đầy rêu mốc, chúng tôi bước vào bên trong căn nhà tối om.
Phần mái nhà bằng tấm lợp fibro xi măng cũng đã thủng lỗ chỗ, các thanh chắn cửa sổ không còn nguyên vẹn, cái đã bị mối mọt ăn ruỗng, cái thì đã gãy… Ngồi trong nhà mà nhìn thấy cả trời, tôi không khỏi cảm giác lo lắng cho vợ chồng ông lão tội nghiệp, khi mà mùa mưa bão đang tới gần.
Đang lúi húi vệ sinh cho người vợ nằm liệt trên chiếc giường gỗ cũ kê ở góc nhà, cụ Thường ái ngại phân bua với chúng tôi: “Mấy hôm nay thời tiết thay đổi, tôi đau đớn, mệt mỏi ăn cũng chả buồn, thành thử không có người chăm sóc cho bà ấy. Hôm nay tôi phải gượng dậy để vệ sinh cho bà ấy…”.
Đưa mắt nhìn khắp lượt nơi ở của cụ Thường, những gì được gọi là tài sản của đôi vợ chồng khốn khó này chỉ là chiếc giường cũ nát, gãy chân, được băng bó tạm bằng dây rừng. Chiếc tủ bị mối mọt ăn mất một cánh, vài bao quần áo cũ sực mùi ẩm mốc, một rổ bát đĩa đã sứt mẻ gần hết, chiếc nồi nhôm méo mó đã mất 1 bên quai, thân nồi bám đầy muội than…
Tôi đang mải nghĩ, trong điều kiện không thể thiếu thốn hơn, hai con người già nua, khốn khó này sẽ sống ra sao, thì bất chợt nghe tiếng cụ Thường:
“Các bác ngồi tạm trên chiếc ghế này nhé, cái chân ghế gãy tôi đã lấy dây buộc chặt lại rồi…”, nói rồi cụ ông 83 tuổi đan chặt hai bàn tay đang run rẩy vào nhau, mắt đăm đăm nhìn xuống nền nhà ẩm mốc… Một khoảng lặng bao trùm không gian, có lẽ hồi ức về cuộc đời cơ cực, sóng gió đang ùa đến đầy ắp tâm trí cụ.
Sau 9 năm trong quân ngũ, cụ Thường về phục viên rồi lấy vợ sinh con. Mấy chục năm qua, cuộc sống của gia đình cụ chỉ biết dựa vào những nương ngô, nương sắn trên những rẻo núi cao của vùng đất khó khăn vào bậc nhất của vùng núi Tây Bắc.
Vợ chồng cụ sinh được 2 trai, 2 gái. Người ta bảo “con cái là của để dành” vậy mà đã ở vào tuổi gần đất xa trời, nhưng dường như chưa giây phút nào các cụ ngừng lo nghĩ về các con.
“Nhà cửa dột nát quá, thằng cả đưa vợ và 3 đứa con ra ngoài thuê trọ mấy năm nay, vợ nó vừa bị tai nạn gãy chân phải nằm một chỗ, con cái ốm đau suốt, nheo nhóc lắm nên chẳng giúp gì cho bố mẹ được.
Con gái thứ 2 nuôi con một mình, nó đang rửa bát thuê dưới Hà Nội. Con gái thứ 3 lấy chồng xa cũng khó khăn lắm, vài năm về thăm bố mẹ được một lần.
Thằng út đã bỏ tôi đi cách đây 18 năm vì ung thư máu”, nói đến đứa con út bạc mệnh, giọng cụ Thường chùng xuống.
Cụ Thường bùi ngùi kể tiếp, đứa con trai mà cụ bà Phạm Thị Thường (SN 1950, vợ ông Thường) đặt nhiều hy vọng nhất lại không may mắc bệnh hiểm nghèo, rồi qua đời sau hơn 1 năm gia đình vay mượn chạy chữa. Mất con khiến cụ bà suy sụp tinh thần rồi bỏ nhà đi trong một đêm mưa gió. Sau hơn một ngày mọi người mới tìm thấy cụ bà nằm ngất xỉu ở khe núi gần nhà.
“Bà ấy bảo đi tìm con, rồi trượt chân rơi xuống khe núi dẫn đến vỡ xương chậu, xương đùi gãy thành mấy khúc. Bác sĩ bảo phải chuyển lên Hà Nội, nhưng gia đình tôi quá kiệt quệ, nên đành để bà ấy điều trị ở bệnh viện tỉnh nửa tháng rồi xin về nhà đắp thuốc lá”, giọng cụ Thường nghẹn lại.
Nợ nần chồng chất, cụ ông không dám nhận hỗ trợ xây nhà
Ông Nguyễn Thanh Giàng, tổ trưởng tổ dân phố 12 cho biết: “Thấy nhà ông Thường dột nát quá, chúng tôi nhiều lần vận động xin hỗ trợ xây nhà mới cho ông theo chương trình xóa nhà tạm, nhưng ông không dám nhận. Mỗi khi mùa mưa bão đến, chúng tôi rất lo lắng cho ông bà Thường”.
Cụ Thường bảo, tiền vay để chạy chữa cho con út, cho vợ và cả bản thân mình đã lên tới hơn 200 triệu đồng.
“Người ta bảo làm nhà sẽ phát sinh thêm tiền, tôi không có để thêm vào, lại nợ nần chồng chất nên không dám nhận khoản hỗ trợ xây nhà. Ở trong căn nhà dột nát như này tôi cũng sợ lắm, nhưng chẳng biết phải làm sao nữa, nếu có ai sửa giúp tôi cái mái cho đỡ dột thì mừng quá…”, cụ Thường nói.
“Khi vợ chồng tôi chết có cái nhà lành lặn để bà con đến làm ma”.
Đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời, lẽ thường cụ Thường đang vui vầy, quây quần bên con cháu. Nhưng, cụ ông tội nghiệp này hàng ngày ngoài chăm sóc người vợ nằm liệt giường, vẫn phải gồng mình chịu đựng sự hành hạ của căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt, loét dạ dày, khớp, tiền đình….
Cụ Thường kể, các bác sĩ khuyên cụ nên về Hà Nội phẫu thuật rồi hóa, xạ trị, nhưng lực bất tòng tâm, cụ cứ cố gắng gượng, cầm cự bằng thuốc giảm đau và thuốc lá. Số tiền trợ cấp hàng tháng, cụ phải dành mua thuốc cho cụ bà.
“Tôi ước có chút tiền đến viện để bớt đi đau đớn, mua được tí thịt cho bà lão đỡ tủi thân. Và giờ tôi chỉ ước có tiền để sửa căn nhà cho nó lành lặn, ngộ nhỡ tôi hay bà ấy về bên kia còn có chỗ cho mọi người đến làm ma…”, giọng run rẩy, từ hốc mắt sâu thẳm của cụ Thường chắt ra giọt nước rồi tan nhanh trên gò má già nua teo tóp.
Cụ đã khóc, nhưng không còn nước mắt để rơi, bởi lẽ cuộc đời quá ư bất hạnh đã lấy đi hết mọi thứ của cụ…