Đã gần 3 năm nay, cả 2 vợ chồng bỏ đi biệt tích, để lại 3 đứa con nheo nhóc cho người mẹ già đã gần 70 tuổi chăm sóc. Dù tuổi cao, sức yếu, bà ngoại đi làm phu gạch rồi mò cua, bắt ốc lo cho các cháu.
3 đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi
Đều đặn mỗi ngày, sau giờ tan học, bé Lưu Thị Duyên (học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Quỳnh Xuân B, trú khối 4, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cùng em gái Lưu Thị Ngân (lớp 3A) lại chở nhau bằng chiếc xe đạp cũ. Trưa nắng, quãng đường từ trường về nhà gần 1km, 2 chị em thay nhau chở, mồ hôi ướt đẫm.
Bà ngoại đi làm đồng chưa về, chị em Duyên cất cặp rồi đứa đong gạo nấu cơm, đứa ra vườn hái rau muống chuẩn bị bữa trưa.
Chỉ 30 phút sau, bữa cơm đạm bạc đã được chị em Duyên bày sẵn ra mâm, đặt trên chiếc chiếu trải giữa nền nhà đợi bà về.
“Bố nói đi làm thuê rồi không trở về nữa. Mẹ cũng không có tin tức gì cả. Có lần mẹ điện thoại về nói đang bận chăm em nên chưa về thăm chị em cháu được. Đã rất lâu rồi chúng cháu chưa được gặp bố mẹ.
3 chị em cháu chỉ có bà ngoại là người thân thôi. Bà ngoại nghèo lắm, không có tiền nộp tiền ăn bán trú ở trường như các bạn nên chị em cháu phải về nhà ăn cơm. Chiều chị em cháu lại chở nhau đến trường”, bé Duyên tâm sự.
Vừa đi làm về, thay vội bộ quần áo lao động lấm đầy bùn đất, rửa qua tay chân, bà Hồ Thị Túy (67 tuổi, bà ngoại của chị em Duyên) cùng ăn cơm trưa với các cháu.
Đặt bát cơm đang ăn dở xuống mâm, lấy vạt áo lau những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt khắc khổ khi nhắc đến hoàn cảnh bất hạnh của các cháu thơ dại.
Bà Túy kể, duyên phận hẩm hiu, ngoài 34 tuổi bà vẫn chưa lấy chồng. Khát khao làm mẹ cháy bỏng, bà quyết định làm mẹ đơn thân. 2 người con gái lần lượt chào đời.
“Điều an ủi duy nhất của 2 đứa con tôi là được mang họ bố. Một mình tôi làm thuê, làm mướn khắp nơi nuôi con khôn lớn rồi lần lượt lập gia đình. Chưa kịp vui mừng, an nghỉ tuổi già thì lại phải lo cho các cháu như thế này đây. Cả cuộc đời tôi một mình nuôi con, giờ nuôi cả đàn cháu”, bà Túy thở dài.
Hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng chị Lưu Thị Tình (31 tuổi, con gái út của bà Túy) tay bồng, tay dắt 3 con nhỏ từ miền Nam về quê sống với mẹ. Hàng ngày, vợ chồng con gái đi làm, bà Túy ở nhà chăm sóc các cháu.
“Buồn lắm, khó khăn nên vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Con rể nói vào miền Nam làm thuê rồi mất hút. Đã gần 3 năm chưa một lần về thăm cũng không gửi được đồng nào về nuôi con. Con rể đi được mấy tháng thì con gái cũng bỏ lại 3 cháu cho tôi, nói ra miền Bắc làm thuê kiếm tiền nuôi con. Nhưng rồi được duy nhất một lần nó gửi 900.000 đồng đóng tiền học cho con. Đã gần 3 năm rồi, nó cũng chẳng về thăm con.
Tôi cùng anh em họ hàng nhiều lần điện thoại khuyên nhủ nó nghĩ lại, thương 3 đứa con còn nhỏ dại, về chăm sóc mà nó đâu có chịu. Sau này mới biết nó sống chung với người đàn ông khác và có thêm đứa con nữa. Con dại cái mang, tính con gái tôi cũng khờ dại chứ không được khôn ngoan gì. Nhà nội của 3 đứa cháu ở tận An Giang, xa xôi vậy biết đâu mà tìm”, bà Túy kể tiếp.
Nỗi lo thất học
Ông Hoàng Văn Nguyên, Trưởng khối 4, phường Quỳnh Xuân chia sẻ, gần 3 năm nay, từ ngày cha mẹ lần lượt bỏ đi, 3 cháu Duyên, Ngân và Toàn sống với bà ngoại. Cuộc sống của 4 bà cháu chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, là hộ nghèo, cận nghèo của phường.
“Suốt nhiều năm qua, chính quyền địa phương cùng bà con khối xóm luôn tạo điều kiện, giúp đỡ bà Túy cùng 3 cháu nhỏ. Tương lai của 3 cháu nhỏ đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của mọi người”, ông Nguyên chia sẻ.
Trước đây, ngày 2 buổi, bà Túy vẫn đi làm phu gạch để kiếm tiền trang trải thức ăn, học hành cho 3 cháu. Hơn một năm nay, sức khỏe yếu, không ai thuê bà nữa, cuộc sống của 4 bà cháu chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng. Bà ra đồng mò cua, bắt ốc để trang trải thức ăn qua ngày. Anh em họ hàng, bà con lối xóm thương hoàn cảnh, thi thoảng người cho con cá, mớ rau để bà cháu đỡ phần vất vả.
Đầu năm học mới, bà Túy thêm nỗi lo tiền sách vở, quần áo, học hành… cho 3 cháu.
“Cũng may được anh em, bà con lối xóm và cô giáo, người cho quyển sách, người bộ quần áo cũ… Tôi vay mượn thêm được hơn 1 triệu đồng mới mua đủ sách cho các cháu học hành. Tuổi già sức yếu, tôi chỉ sợ không đủ sức, lo chúng phải bỏ học giữa chừng”, bà Túy lo lắng.
Dù thiếu vắng tình thương bố mẹ, sống trong cảnh khó khăn nhưng 3 chị em Duyên là những đứa trẻ hiểu chuyện, tự lập, nghe lời bà ngoại và thương yêu nhau. Hàng ngày, sau giờ tan học, chị em Duyên lại phụ bà các công việc gia đình.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, bé Duyên hướng ánh mắt đượm buồn ra đầu ngõ, chia sẻ: “Cháu ước bố mẹ trở về để chị em cháu có bố, có mẹ như các bạn. Cháu nhớ bố mẹ nhiều lắm. Bà ngoại già yếu và nghèo nữa. Cháu vừa thương bà vừa lo phải bỏ học vì bà không có tiền. Cháu sợ bà ốm, 3 chị em cháu không biết sống với ai. Cháu ước lớn nhanh để đi làm kiếm tiền phụ bà và nuôi em đi học”.
Nghe những điều ước của cháu ngoại, bà Túy lại rưng rưng nước mắt. Cả cuộc đời vất vả nuôi con, nuôi cháu, về già, bà vẫn chưa hết khổ.
“Số phận tôi thế này thì đành chấp nhận, chỉ mong trời thương, cho tôi sức khỏe để chăm lo cho 3 cháu, để chúng không thất học giữa chừng. Đời chúng đã sớm chịu thiệt thòi, bất hạnh vì không được bên cạnh bố mẹ rồi. Mong con gái và con rể tôi suy nghĩ lại, về chăm sóc 3 con. Tôi giờ như ngọn đèn trước gió, sống ngày nào biết ngày đó thôi”, bà Túy chia sẻ.