Cơn tai biến đã cướp đi cuộc đời của chồng bà H’Jeng, sau đó, 2 người con cũng lần lượt qua đời mà không rõ lý do. Ước mong duy nhất của bà lão 73 tuổi là cứu được người con thứ 3 đang nằm một chỗ.
Bệnh tật “ăn mòn” vợ chồng nghèo
Trong căn nhà nhỏ nằm ở bon Bu Kôn, phường Nghĩa Tân, TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), bà H’Jeng (73 tuổi) ngồi lặng lẽ một mình, hoàn thiện chiếc gùi đang làm dang dở. Nếu ngày mai chiếc gùi này hoàn thành, bà H’Jeng có thể bán được vài trăm nghìn đồng, đủ mua lương thực cho vợ chồng người con trai đang nằm một chỗ.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, song nhiều năm qua bà H’Jeng chưa được hưởng trọn vẹn một ngày hạnh phúc bên con cháu. Thay vào đó là những ngày tháng tất bật mưu sinh, nếu không lên rẫy hái rau dại thì bà lão lại cặm cụi đan lát để kiếm thêm thu nhập.
Ở phía căn nhà đối diện, vợ chồng anh Y Tem và chị H’Lang (cùng sinh năm 1984) nằm một chỗ, đưa ánh mắt thất thần nhìn về phía mẹ.
Anh Y Tem mắc bệnh gan, căn bệnh không biết đã ở giai đoạn nào, thế nhưng đôi mắt và cả cơ thể người đàn ông này đã chuyển sang một màu vàng nghệ, cho thấy bệnh tình đã rất nặng.
Chị H’Lang, vợ anh Y Tem, bước tập tễnh tới bên chồng đang nằm trên giường, đôi mắt lộ rõ vẻ ưu phiền, mệt mỏi. Đã hơn một năm nay, cả hai vợ chồng không rời khỏi căn nhà này, chỉ bởi lý do duy nhất, cả 2 không đủ sức để ra khỏi nhà.
Người phụ nữ gần 40 tuổi vốn là trụ cột của gia đình. Thế rồi biến cố ập đến vào cuối năm 2021. Chị H’Lang may mắn giữ được mạng sống nhưng kể từ đó đôi chân không thể đi lại bình thường. Hiện nay vết thương vẫn ăn sâu vào cơ thể khiến người phụ nữ này đứng trước nguy cơ phải cắt bỏ một bàn chân phải.
Chị H’Lang kể: “Hai năm trước, tôi đi hái tiêu thuê, không may chiếc thang bị đổ, tôi bị ngã xuống đất từ độ cao gần 5m. Gần 2 tháng nằm viện, tôi có cơ hội được sống tiếp. Nhưng sau vụ tai nạn, gót chân phải của tôi bắt đầu bị hoại tử, dù đã trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng vết thương vẫn lan rộng. Bác sĩ bảo phải phẫu thuật, có thể là cắt đi bàn chân nếu không muốn mất đi cả chân bên phải”.
Thời điểm chị H’Lang từ bệnh viện trở về cũng là lúc anh Y Tem phát hiện mình bị bệnh gan.
Đến nay dù đã hơn một năm nhưng anh Y Tem mới đến bệnh viện thăm khám 1 lần, đó cũng là lần duy nhất anh được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh xơ gan cổ chướng
Không có tiền chạy chữa, cũng không có những bữa ăn đủ chất, bụng của anh Y Tem ngày càng phình to. Từ một người hoạt bát, bây giờ đến thở bình thường cũng là điều khó khăn đối với người đàn ông này.
Chia sẻ về bệnh tình của chồng, chị H’Lang nói: “Căn bệnh của anh ấy tiến triển nhanh chỉ khoảng 1 năm trở lại đây. Trước đây, anh trai và em trai của anh ấy cũng bị bệnh như thế này. Họ đều chết hết rồi nên tôi cũng sợ chồng mình sống không được bao lâu nữa”.
“Chỉ mong nó được sống để con cái không bơ vơ!”
Thấy khách đến nhà, anh Y Tem cố gắng sức bám vào tường nhà để ra trò chuyện cùng khách. Căn bệnh có lẽ đã rất nặng nên chiếc áo anh mặc rộng thùng thình nhưng vẫn không che nổi chiếc bụng phình to như cái trống.
Đi được vài bước, người đàn ông 40 tuổi ngồi vật xuống giường, thở từng nhịp ngắt quãng như không còn đủ sức lực.
“Năm ngoái, tôi đi khám bệnh, bác sĩ bảo bệnh của tôi nặng lắm rồi, không thể điều trị khỏi được. Tôi cũng sợ chết lắm vì con cái còn nhỏ, mình chết đi, mấy đứa nó bơ vơ”, anh Y Tem nói, đôi mắt rơm rớm nước mắt.
Nhìn con trai và con dâu đang bị bệnh tật “ăn mòn” từng ngày, bà H’Jeng không giấu nổi những xót xa, ai oán. Ánh mắt của bà lão người M’nông lúc nào cũng rưng rưng, chất chứa những nỗi niềm của một người mẹ bất hạnh.
Bà H’Jeng nói giọng chua chát: “Chồng tôi mất, hai đứa con cũng lần lượt đi theo bố nó. Đứa gần nhất qua đời vào đầu năm nay. Bây giờ vợ chồng Y Tem cũng nằm một chỗ, sớm muộn gì cũng phải chết nếu không được chạy chữa. Tôi chỉ mong có ai đó cứu lấy gia đình nó, 4 đứa con của Y Tem còn nhỏ lắm”.
Nhắc về những đứa cháu, bà H’Jeng cho biết thêm, vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ lại không thể đi làm nên cả 4 đứa trẻ đều thất học. Đứa con đầu tiên năm nay mới 13 tuổi đã phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi bố mẹ. Đứa con út đáng lẽ năm nay cũng vào học mẫu giáo nhưng vì không có người đưa đón nên cứ lủi thủi, chơi quanh mấy gốc điều gần nhà.
Cuộc sống khó khăn, bệnh tật đeo bám, bà H’Jeng cũng đã lớn tuổi, thế nên mong ước lớn nhất lúc này của bà là vợ chồng anh Y Tem có cơ hội được sống thêm vài năm nữa. Lúc đó những đứa cháu của bà cũng đã lớn, đủ sức để tự đi làm nuôi sống bản thân.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân cho biết, hoàn cảnh bà H’Jeng thuộc diện đặc biệt khó khăn của địa phương.
Trong thời gian qua, chính quyền các cấp đã có sự quan tâm tới gia đình bà H’Jeng. Tuy nhiên do địa phương có nhiều hoàn cảnh cần sự giúp đỡ nên sự hỗ trợ dành cho mỗi gia đình khó khăn có giới hạn.
Địa phương hy vọng thông qua báo Dân trí, các nhà hảo tâm có thể hỗ trợ, chia sẻ một phần kinh phí để các con bà H’Jeng được chữa trị bệnh tình, có cơ hội sống.