Một trường THPT cho học sinh thôi học vì phụ huynh phản ánh việc thu chi đầu năm
Sự việc Trường THPT Lạc Long Quân thông báo bằng văn bản sẽ dừng công tác giáo dục với học sinh nếu phụ huynh không làm việc về tin nhắn xúc phạm nhà trường được cho là nóng vội.
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ về thông báo của Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khiến dư luận xôn xao.
Theo nội dung thông báo, anh H. – một phụ huynh lớp 12A3 của trường có ý kiến trong nhóm Zalo của lớp (nhóm kín) về chuyện thu chi đầu năm của nhà trường. Cho rằng, phụ huynh đã có những lời lẽ làm ảnh hưởng uy tín của nhà trường, hiệu trưởng đã mời phụ huynh này lên làm việc.
Tuy nhiên, nhà trường đã nhiều lần mời phụ huynh để nghe giải thích về nội dung tin nhắn nhưng không nhận được sự hợp tác.
Ngày 7/9, trường cử giáo viên chủ nhiệm đến nhà để trao đổi và chuyển lời mời của ban giám hiệu nhưng phụ huynh H. vẫn chưa lên làm việc. Ngày 25/9, Trường THPT Lạc Long Quân tiếp tục gửi thông báo tới phụ huynh.
“Sau thời gian trên, nếu ông không lên làm việc, nhà trường sẽ từ chối công tác giáo dục đối với học sinh…”, thông báo có dấu đỏ và chữ ký của Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân nêu rõ.
Nói là làm, tối 3/10, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3 gọi điện cho gia đình anh H. thông báo con anh chị phải nghỉ học từ 4/10 nhưng không có văn bản nào được gửi đến gia đình anh.
Trao đổi với báo chí, anh H. cho hay, những vấn đề anh và các phụ huynh trao đổi trong nhóm lớp là những nội dung nhà trường phải có trách nhiệm giải thích để phụ huynh hiểu và đó là trao đổi trong nhóm riêng tư, không có ý xúc phạm nhà trường.
Về lí do hai lần được mời lên trường làm việc nhưng không lên, anh H. nói rằng mình rất bận, phải đi công tác triền miên.
Tuy nhiên, khi nhận được thông báo tiếp theo yêu cầu anh phải lên trường làm việc trước ngày 29/8, nếu không con anh sẽ bị cho nghỉ học thì anh vô cùng bức xúc và chính thức từ chối trao đổi với nhà trường.
Anh H. cho hay, khi nộp hồ sơ nhập học cho con vào trường, anh không ký vào bất kỳ văn bản, hợp đồng, cam kết nào mà chỉ có hồ sơ học bạ của con và đơn xin học. Vì vậy, nếu nhà trường buộc thôi học con anh thì anh đề nghị trong thông báo phải ghi rõ lí do vì sao.
Bày tỏ quan điểm về cách ứng xử của Trường THPT Lạc Long Quân trong sự việc này, nhiều cán bộ quản lý của các trường ngoài công lập cho rằng, với loại hình trường nào thì việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục học sinh. Trong tình huống này có nhiều vấn đề chưa thỏa đáng từ cả 2 phía, đặc biệt phía nhà trường có phần nóng vội.
Ý kiến anh H. trao đổi qua Zalo là trong phạm vi nhóm lớp, ít nhiều thể hiện quan điểm của cá nhân anh. Vì lí do nào đó, tin nhắn này được chuyển đến ban giám hiệu nhà trường và phía nhà trường có ý kiến ngược lại với anh H. cũng là hợp lý. Tuy nhiên, điều chưa ổn nằm ở các bước ứng xử tiếp theo.
Trên thực tế, một văn bản khô khan từ phía nhà trường không khác nào một mệnh lệnh hành chính và yêu cầu phụ huynh phải thực hiện sẽ tạo tâm lý ức chế, khó tiếp nhận. Nếu mềm dẻo hơn, hiệu trưởng có thể nối máy để trao đổi trực tiếp với phụ huynh, thuyết phục anh thu xếp thời gian đến trường trực tiếp trao đổi.
Theo hiệu trưởng một trường tư thục, trong việc này, học sinh không có lỗi nên nhà trường lấy lí do gì để từ chối giáo dục học sinh? Nếu trong văn bản thỏa thuận hoặc quy định, quy chế của nhà trường không có điều khoản buộc thôi học nếu phụ huynh không phối hợp hoặc có quy định chứng minh phụ huynh đang vi phạm quy định của nhà trường thì nhà trường khó có thể đuổi học sinh.
Có ý kiến cho rằng, về phía anh H., vẫn nên nhìn nhận về cách ứng xử của mình. Trường hợp không sắp xếp đến trường được, anh H. có thể nhắn tin, gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm, cho hiệu trưởng cáo bận và hẹn trao đổi vào dịp khác (do hai bên thống nhất). Nếu như vậy sự việc sẽ không căng thẳng và con trẻ không phải chịu thiệt thòi.