Không thể lấy lý do điện ảnh hư cấu để có thể lồng ghép các tình tiết sai sự thật trong Đất rừng phương Nam
Người Pháp tố cáo bộ phim Dunkirk của Christopher Nolan vì đã làm mờ nhạt đi vai trò của 120.000 lính Pháp phòng thủ trận Dunkirk, tạo điều kiện cho lính Anh di tản… Các nhà phê bình điện ảnh Pháp đồng loạt cho rằng Dunkirk là một “sự bất lịch sự” và “đầy sự thiếu tôn trọng” khi lờ đi vai trò của Pháp trong trận đánh này.
Ai Cập đã phản đối rất lớn hành vi “bôi đen” nữ hoàng Cleopatra. Không chỉ là người dân, giới lịch sử mà Chính phủ Ai Cập cũng công khai chỉ trích đoàn làm phim và cả Netflix là “xuyên tạc lịch sử Ai Cập”.
Tại Hàn Quốc, bộ phim nổi đình nổi đám Joseon Exorcist bị cấm chiếu vĩnh viễn chỉ sau 2 tập phim vì “bôi nhọ lịch sử” và “xúc phạm văn hóa”. Mặc dù nhà sản xuất cho rằng đây chỉ là một phim kinh dị siêu nhiên mang đậm tính hư cấu. Nhưng khán giả Hàn Quốc cho rằng không thể lấy hư cấu để bao biện và một đơn thư 185 ngàn chữ ký đã được gửi đến Nhà Xanh. Nhà sản xuất muốn được chỉnh sửa, nhưng SBS đứng trước sức ép lớn đã buộc phải ngừng phát hành phim mặc dù rating của phim rất cao. Đài JBTC cũng từng chịu sức ép rất lớn khi bộ phim Snowdrop bị công chúng tố cáo, thậm chí có cả cựu chiến binh, nhà hoạt động xã hội biểu tình. Đơn phản đối bộ phim gửi lên Nhà Xanh thu hút 300 ngàn chữ ký… Ngoài ra, bộ phim Mr. Queen cũng bị khai tử vì xúc phạm vua Cheol Jong, mô tả vương hậu Shin Jong như là người mê tín dị đoan. Mặc dù là phim hư cấu, nhưng đài tvN vẫn phải gỡ bỏ do sức ép quá lớn….
Đài Loan cũng từng cấm phim của Thành Long vì “sai sự thực lịch sử” và nhiều phim từ Trung Quốc làm về Nội chiến Quốc – Cộng. Trung Quốc thì khỏi nói rồi, số bộ phim bị Trung Quốc cấm liên quan đến yếu tố lịch sử có thể lên đến hàng chục, hàng trăm. Đặc biệt, nhằm hạn chế sự xuyên tạc lịch sử, Trung Quốc đã áp lệnh cấm đến các phim cung đấu, xuyên không. Để tránh tái diễn việc nhân vật lịch sử vốn có đời từ hoàn toàn bình thường, trở thành những con người nhỏ nhen, ích kỷ, bất lương…
Khán giả Malaysia và chính quyền quốc gia này lên án bộ phim Padmaavat của Ấn Độ vì bộ phim này vì xuyên tạc lịch sử, văn hóa của Hồi giáo. Nga thì cấm chiếu phim xuyên tạc lịch sử Liên Xô từ một số nhà làm phim trong nước. Người dân Đức thì biểu tình, la ó, lên án bộ phim Jew Suss: Rise and Fall vì những tình tiết hư cấu sai sự thực lịch sử. Tại Thái Lan và Campuchia, bộ phim No Escape đều bị cấm chiếu vì mô tả các quốc gia có vùng biên giới với Việt Nam đầy bạo loạn, bất ổn, liên tưởng đến Khmer Đỏ và bạo loạn miền Nam Thái Lan trong lịch sử. Mặc cho nhà sản xuất nói rằng quốc gia trong No Escape “chỉ là một quốc gia giả tưởng, hư cấu”.
Vậy nên, việc khán giả phản đối các bộ phim có những tình tiết sai sự thực lịch sử là hết sức bình thường ở trên thế giới. Ngay cả khi các nhà sản xuất, đạo diễn cho rằng là là “hư cấu”, “giả tưởng” hay “không nhắm đến một sự vật, sự việc, quốc gia nào”….
Tôi không hiểu sao một số anh chị tự nhận là nhà phê bình, nhà kịch bản, am hiểu điện ảnh lại không biết các điều căn bản này.
Nguồn: Lê Hồng Lâm