Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa cho rằng không ít cán bộ hiện nay đang cố gắng làm những quy định cũ kỹ trở nên cũ kỹ hơn nhằm mục đích cá nhân.
Chiều 31-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các nội dung kinh tế – xã hội. Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đã dành thời gian phát biểu về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa.
2 đêm diễn của BlackPink bằng non nửa số phấn đấu đến năm 2030
Ông đã nhắc đến nhóm nhạc BlackPink (Hàn Quốc) mới đến biểu diễn ở Việt Nam. Ông nói chỉ trong 2 đêm, doanh thu của nhóm nhạc này đã lên tới 13 triệu USD.
Ông nhắc lại chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam được phê duyệt năm 2016, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tổng giá trị doanh thu nghệ thuật biểu diễn đạt 20 triệu USD, đến năm 2030 đạt 31 triệu USD.
“Như vậy, 2 đêm diễn của BlackPink đã bằng non nửa con số chúng ta phấn đấu đến năm 2030. Điều này rất đáng suy nghĩ”, ông Nghĩa ví von.
Ông Nghĩa cho biết khi vào TP.HCM làm việc, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói do sân vận động tại đây không đủ tiêu chuẩn, nếu không BlackPink đã diễn thêm 2 đêm nữa.
“Vậy chỉ cần 4 đêm diễn, doanh thu của họ đã bằng chúng ta phấn đấu đến năm 2030”, ông so sánh.
Từ những con số nêu trên, ông Nghĩa nhận định dư địa phát triển nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam là rất lớn, nhưng còn nhiều vấn đề.
Ông Nghĩa lấy ví dụ về tình trạng “nhà hát không có diễn viên, diễn viên không có nhà hát”.
Thực tế cho thấy có những nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật quản lý tới 5 khu đất vàng giữa thành phố nhưng chỉ vận hành 1 điểm, 4 địa điểm còn lại thì bỏ hoang hoặc cho thuê, tốn tiền bảo vệ, tốn tiền điện nước.
Ngược lại, phần lớn các đoàn biểu diễn nghệ thuật không có nơi biểu diễn, muốn diễn phải đi thuê.
Hay như câu chuyện về nhân lực, có những nghệ sĩ đã thành nghề 10 năm nhưng vẫn phải bỏ, phải thôi vì không được biên chế.
“Các anh nói vui là bây giờ nếu đóng bộ đội, thanh niên xung phong thời chống Mỹ khi 18, 20 tuổi mà diễn viên toàn 45-50 tuổi.
Béo khỏe, vui vẻ mà vào vai thanh niên xung phong, bộ đội gian khổ như thế thì rõ ràng vất vả cho cả người diễn lẫn vất vả cho cả người xem”, ông Nghĩa nói và đề nghị cần tạo dư địa cho các nghệ sĩ sáng tạo, để có tác phẩm xứng tầm.
Làm những quy định cũ kỹ trở nên cũ kỹ hơn vì lợi ích cá nhân?
Một điều khác ông Nghĩa nhắc đến đó là cần phát triển văn hóa công vụ, đạo đức công vụ.
Ông dẫn lại việc trên báo chí và tiếp xúc hằng ngày, rất nhiều người dân phàn nàn về các thủ tục công vụ và không ít cán bộ hiện nay đang cố gắng làm những quy định cũ kỹ trở nên cũ kỹ hơn nhằm mục đích cá nhân.
Ông dẫn ví dụ bán một căn hộ tập thể để dưỡng già, nhưng các cụ già 80 tuổi phải trình giấy đăng ký kết hôn.
“Không có giấy tờ nào thay thế được giấy tờ đó và các cụ lấy nhau từ cách đây mấy chục năm rồi chiến tranh hay cũng lúc giận lúc hờn, có khi cất đi nhưng mất.
Bây giờ muốn làm được thủ tục cũng bẽn lẽn, run rẩy, dắt nhau đi để đăng ký kết hôn lại, không có đường nào khác cả”, ông Nghĩa chia sẻ và cho rằng cần chấn chỉnh kịp thời, bởi đôi khi coi đó là chuyện thường tình nhưng đây là sự xói mòn niềm tin từ hành vi công vụ rất cụ thể.