Theo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch, thông tin không tốt về phim Đất rừng phương Nam là chưa chuẩn xác, cần xem xét xử lý hành vi xúc phạm, bôi xấu.
Tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ chiều 7/11, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Bí thư quận 1, TP HCM) đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết giải pháp bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị cộng đồng mạng xã hội bạo hành.
Bà Châu dẫn hai ví dụ vừa qua là hoa hậu Ý Nhi chỉ vì phát ngôn thiếu tế nhị mà bị “ném đá”, và phim Đất rừng phương Nam “bị cộng đồng mạng đập cho tơi bời”. “Vậy lúc đó ai bảo vệ họ, cách bảo vệ thế nào hay phải chờ họ khiếu nại, kiến nghị, làm đơn. Góp ý theo kiểu đập cho chết chứ không phải đập cho chừa là rất nguy hiểm”, bà Châu nói, cho rằng việc này liên quan đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công an.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ đã ban hành quy tắc ứng xử dành cho đội ngũ văn nghệ sĩ làm nghệ thuật trên mạng xã hội để họ hành xử chuẩn mực.
Ông cũng cho biết phim Đất rừng phương Nam đã được Hội đồng thẩm định phim quốc gia cấp phép theo đúng Luật Điện ảnh. Phim không vi phạm pháp luật. “Dư luận cho rằng phim có biểu hiện này, biểu hiện khác là chưa chuẩn xác, cần xem xét xử lý với hành vi xúc phạm, bôi xấu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 7/11. Ảnh: Media Quốc hội
Cùng trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cuối năm nay Chính phủ sẽ ban hành nghị định về quản lý mạng xã hội, trong đó quy định xử lý việc xâm hại đời tư trên mạng và có thiết chế hỗ trợ người dân bị xâm hại trên mạng xã hội.
Thời gian qua, Bộ đã lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia. “Tôi nghĩ rằng cần lập các trung tâm xử lý các tỉnh, bởi hầu hết hoạt động cuộc sống đều có trên không gian mạng”, ông nói.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị thực thi pháp luật nghiêm minh, xử lý hình sự những vụ việc xâm hại nghiêm trọng, “như việc xử lý bà Phương Hằng mang tính răn đe cao”.
“Giải pháp căn cơ là cần xây dựng văn hóa số. Không gian mạng là môi trường mới với con người. Chúng ta sống trong môi trường thực hàng chục nghìn năm mà vẫn còn có vấn đề, huống chi mới tham gia không gian mạng chừng 20 năm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, cho biết đã xây dựng nền tảng đào tạo kỹ năng, tăng sức đề kháng cho người dân trên mạng xã hội.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn Quốc hội chiều 7/11. Ảnh: Ngọc Thành
Phim Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ra mắt giữa tháng 10, xoay quanh nhân vật bé An đi tìm cha giữa bối cảnh cuộc nổi dậy chống Pháp của người miền Nam đầu thế kỷ 20.
Câu chuyện về các bang nhóm – trong đó có Thiên Địa hội – được dành nhiều thời lượng. Sau đó, nhiều ý kiến cho rằng đoàn phim gây hiểu nhầm khi nâng tầm vai trò của Thiên Địa hội. Trong bài viết hơn 2.300 lượt chia sẻ trên mạng xã hội, tiến sĩ văn học Hà Thành Vân cho rằng sự hư cấu trong phim làm “sai lệch lịch sử”.
Trích dẫn các tài liệu, bà Hà Thanh Vân nhận định phong trào yêu nước kháng Pháp của Thiên Địa hội có diễn ra ở miền Nam, song kết thúc vào năm 1916, sau cuộc nổi dậy cứu Phan Xích Long – người được tôn làm thủ lĩnh các hội kín Nam Kỳ. Trong tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi, câu chuyện diễn ra vào cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, năm 1945, không nhắc đến các hội nhóm này. Còn phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có bối cảnh vào thập niên 1920-1930, cải biên so với truyện.
Sau đó, nhà sản xuất đã chỉnh sửa phim, bỏ tên Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn khỏi lời thoại, thay bằng Chính Nghĩa hội và Nam Hòa đoàn. Thay đổi này nhằm tránh người xem liên tưởng đến hai hội nhóm thời nhà Thanh Trung Quốc. Phim đặt dòng chữ “bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi” lên đầu.