Theo kết quả giám định loài, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận 4 cá thể chuột túi phát hiện ở Cao Bằng là loài chuột túi lớp thú, không có phân bổ ở Việt Nam. Chuyên gia cho rằng, những cá thể này cần được các cơ quan quản lý chặt chẽ và nghiên cứu phương án xử lý thích hợp tránh nguy cơ gây hại cho môi trường.
Sau khi phát hiện 4 cá thể chuột túi ngoại lai, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) đã hoàn tất bàn giao các cá thể này cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên) chăm sóc, quản lý theo quy định.
Theo đó, 4 cá thể này đã được vận chuyển bằng phương tiện đặc dụng từ tỉnh Cao Bằng về Vườn Quốc gia Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai) trong ngày 16.11. Qua xác định, có 3 cá thể chuột túi đực, 1 cá thể chuột túi cái nặng từ 7,6 đến 8,8 kg/con và chúng đều khỏe mạnh.
Được biết, đây là những cá thể chuột túi wallaby, là loài động vật ăn tạp, chủ yếu ăn thực vật như cỏ, lá và quả mọng. Chúng cũng có thể ăn côn trùng hoặc các loài động vật nhỏ, thường ở bản địa của Australia và New Guinea.
Trước thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội – nhận định, 4 cá thể trên là động vật ngoại lai có thể sống và sinh sản trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, loài chuột túi này không thích ứng với điều kiện nhiệt độ, khí hậu tại Việt Nam. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chúng có nguy cơ gây hại cho môi trường Việt Nam.
“Theo tôi, đây là một điều e ngại đối với các nhà bảo vệ môi trường. Bởi vì khi một loài thực vật ngoại lai không được kiểm soát thì rất dễ gây ra dịch bệnh, ảnh hưởng tới môi trường và đe dọa sự sống của những loài sinh vật khác. Bởi vậy, để đảm bảo sự cân bằng của hệ sinh thái, các cơ quan liên quan cần bắt giữ, nghiên cứu, sau đó có thể tính đến phương án tiêu huỷ chúng để không ảnh hưởng tới môi trường” – PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm.
Theo Điều 10 Thông tư số 29/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng, động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp nhà nước, có 5 hình thức xử lý gồm: thả lại động vật rừng về môi trường tự nhiên; cứu hộ; chuyển giao cho vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành; bán; tiêu hủy.