Chị Nguyễn Hồng Minh (38 tuổi, quê ở Nghệ An) đã phải trải qua hành trình đầy khó khăn, khắc nghiệt để có thể trở thành một nữ cảnh sát tại Hàn Quốc vừa xinh đẹp, mạnh mẽ, vừa thông minh, nhiệt huyết như ngày hôm nay, khiến không ít người cảm thấy tự hào.
Chị Nguyễn Hồng Minh đang phụ trách bên bộ phận đối ngoại của sở cảnh sát JangSeong (tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc).
Công việc hàng ngày của chị Minh là xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật hình sự, giao thông, phổ biến luật cho chị em phụ nữ trong các gia đình đa văn hóa, tuyên truyền luật cho các em học sinh, làm phiên dịch…
Nung nấu ước mơ trở thành cảnh sát
“Khó khăn” và “khắc nghiệt” là hai từ mà người phụ nữ quê Nghệ An miêu tả về hành trình trở thành cảnh sát của mình. Năm 2005, chị Minh sang Hàn Quốc du học ngành kinh tế tại Đại học Chosun ở thành phố Gwangju.
Trong quãng thời gian sinh viên, chị có cơ hội làm phiên dịch cho sở cảnh sát và sở cư trú. Chị nhận ra rằng nhiều người Việt Nam đã phạm sai lầm đáng tiếc chỉ vì không hiểu biết pháp luật nước sở tại. Từ đó, ước mơ làm cảnh sát để giúp đỡ mọi người của chị trỗi dậy.
Sau khi tốt nghiệp, chị Minh dành 6 năm làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu. Trong khoảng thời gian đó, ước mơ làm cảnh sát của chị Minh vẫn chưa bao giờ nguôi. Cũng trong thời gian này, chị kết hôn với ông xã người Hàn Quốc và sinh lần lượt 3 người con.
Rào cản của người phụ nữ đã có gia đình không thể ngăn chị Minh quyết tâm hiện thực hóa ước mơ của mình. Chị xin nghỉ việc ở công ty xuất nhập khẩu và bắt đầu hành trình chuẩn bị cho kỳ thi vào ngành cảnh sát. Trở ngại đầu tiên chị gặp phải chính là cân nặng 100kg của mình.
Chị Minh chia sẻ chị đã phải giảm từ 100kg xuống còn 60kg để có thể vượt qua các vòng thi thể lực. Mất 10 tháng trời, chị vừa ở nhà chăm sóc con cái, vừa tranh thủ tập luyện, áp dụng chế độ ăn uống khắt khe để đạt được cân nặng như mong muốn.
Thế nhưng đó mới là điều kiện cần chứ chưa đủ. Theo quy định của Hàn Quốc, kỳ thi tuyển cảnh sát chỉ dành riêng cho người có quốc tịch Hàn Quốc. Điều đó có nghĩa là chị Minh sẽ phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam nếu theo đuổi ước mơ.
Sau nhiều đêm đắn đo, chị Minh quyết tâm nắm lấy ước mơ của mình. Rất may mắn chị được gia đình hỗ trợ và động viên. “Đi đâu, làm gì, tôi vẫn là người Việt Nam, từ trong tâm hồn và trái tim của mình”, người phụ nữ gốc Nghệ An khẳng định.
Sau khi trải qua 3 tháng với những phần thi kiến thức và thể lực vô cùng khắc nghiệt, chị Minh tiếp tục vượt qua khóa huấn luyện 6 tháng cả ngày lẫn đêm về nghiệp vụ và thêm 2 tháng thực tập. Cuối cùng, mọi nỗ lực, cố gắng của chị đã được đền đáp. Chị được bổ nhiệm vào làm việc tại Sở Cảnh sát Jangseong. Chị được phân công điều tra các vụ bạo hành gia đình, bạo lực học đường và các vụ mất tích.
Điểm tựa tinh thần của người Việt nơi đất khách
Hiện tại, chị Minh đã làm việc trong ngành được 6 năm, mang quân hàm Thượng úy. Nữ cảnh sát gốc Nghệ An đang phụ trách bên bộ phận đối ngoại của Sở Cảnh sát JangSeong (tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc).
Chị Minh cũng lập ra Fanpage Korea Police (Cảnh sát Hàn Quốc Hồng đồng hành cùng các bạn) với gần 100.000 lượt theo dõi. Fanpage được chị lập ra với mục đích phổ biến điều luật của Hàn Quốc đến với người Việt Nam đang sinh sống tại đây, giúp phòng tránh việc phạm tội vì thiếu thông tin. Mỗi tháng 2 lần, chị lại livestream trò chuyện với mọi người.
Chị Minh đã làm việc trong ngành được 6 năm, mang quân hàm Thượng úy.
Bất kỳ ai gặp khó khăn đều có thể liên lạc với Thượng úy Minh để được giúp đỡ. “Tôi nhớ có lần, một người phụ nữ Việt bị chồng bạo hành nhiều năm đã nhắn tin đến Fanpage. Tôi khuyên chị ấy hãy bình tĩnh, đồng thời hướng dẫn các bước để trình báo với cơ quan chức năng. Điều đáng mừng là chị ấy đã tự dám đứng lên để bảo vệ bản thân mình”, chị Minh kể.
“Hiện tại, chị ấy đã có cuộc sống ổn định, hạnh phúc hơn. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, ý nghĩa khi bản thân trở thành cảnh sát và có thể giúp đỡ được nhiều người”, nữ cảnh sát gốc Nghệ An tâm sự.
Nữ thượng úy cho biết những bất đồng xảy ra trong các gia đình đa văn hóa xuất phát từ sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống. Bởi vậy, ngoài việc giải quyết các vụ việc theo đúng quy định của luật pháp sở tại, chị cũng dành nhiều thời gian để tư vấn, hỗ trợ các cô dâu Việt.
Bên cạnh công việc ở sở cảnh sát, chị còn đến trung tâm hỗ trợ gia đình văn hóa để tuyên truyền luật pháp cho các cô dâu Việt. Chị cho rằng phụ nữ Việt cần trang bị cho mình ngôn ngữ và các hiểu biết về văn hóa bản địa để có nền tảng cơ bản cho cuộc sống hôn nhân trước khi quyết định lấy chồng ngoại quốc.
“Thông minh, thẳng thắn, hoạt bát, dũng cảm, là những gì tôi cảm nhận về cô ấy”.
Ngoài ra, chị cũng đang mở một lớp dạy tình nguyện tiếng Việt vào các buổi tối mỗi tuần cho những trẻ em có mẹ là người Việt Nam để các em có thể nói chuyện bằng tiếng Việt với mẹ và ông bà ngoại, đồng thời hiểu biết và tự hào về quê hương.
Thấy vợ thức khuya dậy sớm, vừa đi làm ở sở cảnh sát vừa đi dạy và tư vấn, anh Park – chồng của chị Minh vừa tự hào vừa thương vợ.
“Tôi trân trọng sự nỗ lực của vợ khi quyết định thi vào ngành cảnh sát bởi vợ tôi là người ngoại quốc và điều này không phải dễ dàng, kể cả với người Hàn Quốc. Tôi rất thương cô ấy nên cố gắng hỗ trợ việc nhà và chăm sóc con cái nhiều hơn để vợ an tâm công tác”, anh Park chia sẻ.
Nhận xét về chị Minh, lãnh đạo, đồng nghiệp nhận xét chị là một nữ cảnh sát có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc để tiếp cận và xử lý những sự vụ liên quan đến người Việt Nam nói riêng và người nước ngoài nói chung.
“Cô ấy còn có khả năng thông dịch cho các vị lãnh đạo cấp cao ngành an ninh Việt Nam – Hàn Quốc. Thông minh, thẳng thắn, hoạt bát, dũng cảm, là những gì tôi cảm nhận về cô ấy”, thiếu tá Kim Gicheol, trưởng phòng An ninh thông tin, Sở Cảnh sát JangSeong nhận xét về chị Minh.