Khác với mọi năm, năm nay nhiều công nhân tại TP.HCM đang tìm cách trả phòng trọ để về quê trước dịp cuối năm…
Hơn ba tháng nữa mới đến Tết nhưng những ngày này, vợ chồng chị Lê Thị Nhàn (41 tuổi, quê Bình Phước) đã bắt đầu tranh thủ dọn dẹp những thứ lặt vặt, chuẩn bị đầu tháng 12 trả phòng trọ để về quê ăn Tết sớm. “Lần này về là về hẳn, không lên lại TP nữa vì dạo này khó tìm việc quá” – chị Nhàn nói.
Về quê vì khó tìm việc mới
Cách đây ba tháng, vợ chồng chị Nhàn làm công nhân cùng lúc bị mất việc do công ty không có đơn hàng. Chồng chị chuyển sang chạy xe ôm công nghệ, còn chị làm tạp vụ bán thời gian, vất vả nhưng tiền kiếm được cũng không bao nhiêu. Đợi một thời gian thấy không thể tìm việc mới, sau nhiều lần bàn bạc, anh chị quyết định về quê.
“Tính ở lại “cày” thêm kiếm chút tiền ăn Tết nhưng với tình hình hiện tại thấy khó quá, lại phải tốn tiền nhà trọ. Ở quê, tôi còn ba mẹ già và con trai. Nghe tin ba mẹ năm nay về ăn Tết sớm, con trai tôi mừng lắm” – chị Nhàn cười mà mắt lại buồn.
Đã bốn năm liền chưa được về quê ăn Tết, năm nay chị Linh Nhi (25 tuổi, quê Nghệ An) tính sẽ về trước ba tháng trong tâm trạng vui buồn đan xen. Chị Nhi tâm sự: “Mọi năm không về quê được một phần do công ty tăng ca cuối năm, không nghỉ được nhiều, phần vì vé xe quá đắt. Năm nay vợ chồng tôi không vướng bận gì, việc cũng chưa có nên về sớm. Nếu ở quê kiếm được việc thì vợ chồng tôi ở lại luôn”.
Anh Thanh Tuấn (30 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng dự định cuối tháng 11 này về quê hẳn. Anh cho biết bây giờ về vẫn kịp xuống giống trồng hoa, đồng thời mua vài trăm con vịt nuôi đến Tết là kịp lớn. “Năm nay làm không có dư nên về quê ráng chút kiếm tiền xài Tết. Ở quê cận Tết không thiếu việc, hơn nữa lại được gần gia đình” – anh Tuấn cười.
Theo bà Nguyễn Thị Tám (chủ nhà trọ tại quận Bình Tân), công nhân về quê nhiều nên giờ dãy trọ của bà phòng trống phân nửa. “Mọi năm công nhân về trễ lắm vì sát Tết họ tranh thủ tăng ca kiếm tiền. Trong những người trả phòng mấy ngày này, có người hẹn sau Tết sẽ quay lại nhưng cũng có người nói nếu ở quê có việc làm ổn định hơn thì họ ở lại luôn” – bà Tám cho hay.
Dịch chuyển lao động sẽ còn kéo dài
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), thường những tháng cuối năm nếu doanh nghiệp (DN) có nhiều đơn hàng, công nhân được tăng ca thì họ có thể nán lại làm thêm để tăng thu nhập, về quê ăn Tết cho sung túc hơn. Ngược lại, họ sẽ chọn cách rời TP sớm.
“Dòng lao động dịch chuyển không chỉ những tháng cuối năm nay mà có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong vài năm tới” – ông Lộc nhận định.
Cũng theo ông Lộc, nhiều địa phương hiện có một số nhà máy về mở chi nhánh, tạo việc làm cho không ít lao động. Đây cũng chính là cơ hội việc làm để lao động từ các TP lớn dịch chuyển về các tỉnh, thành. Có thể lương họ nhận sẽ thấp hơn khi làm ở TP nhưng chi phí sinh hoạt cũng sẽ thấp hơn.
Tuy nhiên, cũng có vài nhóm khi công việc ở quê không có, buộc phải ở lại TP tìm những cơ hội khác. Nhóm này chủ yếu là lao động phi chính thức, lĩnh vực dịch vụ… “Trong tình hình khó khăn chung thì ở lại TP vẫn có cơ hội để họ giải quyết vấn đề kinh tế, vì về quê không có việc làm phù hợp với ngành nghề” – ông Lộc cho hay.
Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, tình hình biến động lao động thường diễn ra vào các tháng cuối năm. DN càng đông thì lao động biến động càng lớn. Đặc biệt, khi DN có nhiều công nhân nghỉ việc về quê thì việc bù đắp nhân sự để chạy kịp đơn hàng là vấn đề đau đầu của rất nhiều đơn vị.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Huỳnh Lê Như Trang cho biết tuy thị trường lao động những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, song để chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp Tết, nhiều DN vẫn có nhu cầu tuyển dụng.
“Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV-2023, TP.HCM cần khoảng 75.500-81.500 chỗ làm việc. Trong đó, khu vực thương mại, dịch vụ chiếm tỉ lệ 70%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm gần 30%” – bà Trang thông tin.