Chị Trương Thị Lệ Trinh (SN 1992, quê ở Sóc Trăng) chuyển về sinh sống tại căn nhà được công ty chồng thuê cho ở đảo Labuan, Malaysia vào năm 2015. Thời tiết nơi đây quanh năm nắng nóng nên người dân không trồng được rau. Họ phải nhập rau củ quả từ nơi khác nên giá bán rất đắt và không có nhiều lựa chọn.
Để gia đình chủ động được nguồn thực phẩm sạch hàng ngày, đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tiết kiệm chi phí, chị Trinh bắt đầu cải tạo khu đất trống bên hông nhà, tự tay làm vườn và trồng nhiều loại rau trái.
Chị Trinh bắt đầu làm vườn cách đây 6 năm nhưng mới cải tạo, quy hoạch lại vườn cho đẹp mắt và trồng đa dạng rau trái hơn từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Lúc mới chuyển tới đây sinh sống, chị thường bỏ hạt bí ngoài rừng, cây tự mọc và cho rất nhiều trái.
Vườn không rộng nhưng được quy hoạch gọn gàng, đảm bảo tính thẩm mỹ.
Thời gian đầu làm vườn, chị cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, chi phí đầu tư lại hạn hẹp. Nhà gần biển, đất toàn cát và đá, trời mưa thì không thoát được nước nên chị mua ít đất trộn sẵn về trồng trong thùng xốp. Vì đất ít, trời nắng gắt nên đất nhanh khô, rau trồng còi cọc, không lớn nổi.
Nữ gia chủ phải cặm cụi kéo tấm lưới trồng lan ra che nắng cho rau, da ngày càng đen nhẻm. Để đỡ vất vả, chị nhờ chồng làm bên thu mua phế liệu “tậu” ít inox cũ về rồi thuê thợ hàn thành cái giàn cho dễ kéo lưới lan che nắng.
Vì nhà hẹp, không có nhiều chỗ trống nên chị Trinh đặt làm kệ 4 tầng, tận dụng diện tích trước cổng để trồng rau xà lách.
Gia chủ tận dụng mọi tầng không gian, từ trồng rau dưới đất đến làm giàn, dùng chậu treo để tiết kiệm diện tích và trồng được nhiều giống cây khác nhau.
Chị mua chậu, dùng dây điện buộc thành giàn để làm các chậu treo trồng rau xà lách.
Gáo dừa cũng được tận dụng làm chậu trồng rau.
Hạt giống rau Việt ở địa phương cũng hiếm, chị Trinh phải nhờ bạn về thăm quê rồi mang sang cho, từ từng hạt bí đao cho đến nhánh rau. Bí đao chị trồng thành giàn vừa che bớt nắng cho không gian phía dưới, vừa thu hoạch trái để ăn.
“Nhà ở đảo xa, cách Việt Nam phải hai chuyến bay mới tới nên khi mình qua nhà bạn lấy nhánh rau mang từ quê nhà sang thì nó bị úng, hỏng rồi. Mình trồng 10 nhánh thì được một nhánh sống sót nên cứ tích tiểu thành đại. Từ nhánh duy nhất, mình chăm thành cây to rồi mỗi lần cắt ăn thì chừa lại nhánh để cắm trồng tiếp. Cứ thế mà vườn ngày càng nhiều rau, vừa để ăn, vừa chia sẻ với mấy người bạn Việt khác, giúp mọi người đỡ nhớ hương vị quê nhà hơn”, chị Trinh nói.
Ban đầu, người phụ nữ Việt chỉ trồng ít rau cải chịu nhiệt bên Malaysia và một vài loại củ quả đơn giản khác. Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị quyết định cải tạo lại vườn, trồng nhiều giống hơn, hạn chế việc đi chợ mua rau lại đảm bảo an toàn sức khỏe.
Vì vườn rất nhiều rau má nên chị Trinh mua bạt lót để rau má không mọc lên rồi xếp gạch làm khuôn và đổ đất vào trồng. Xung quanh, chị rải sỏi màu trắng, đen, vừa giữ cảnh quan sạch đẹp, tăng tính thẩm mỹ, vừa có tác dụng massage chân mỗi khi thu hoạch rau trái hay chăm sóc vườn.
Chủ nhân khu vườn đầu tư mua đất thịt và đất đen mà người dân lấy từ vườn dầu cọ rồi mang về trộn với ít xơ dừa cho đất tơi xốp. Đất mới có đủ dinh dưỡng nên chị sử dụng để trồng rau ngay, không cần trộn phân.
Sau mỗi đợt thu hoạch, người phụ nữ Việt tiến hành xới đất, trộn với tro trấu và phân gà hoai mục. Chị còn xin thêm bã cà phê từ quán nước về đổ vào bao tải hoặc chậu to, để ngoài vườn phơi nắng mưa, chờ sau vài tháng thì đem trộn thêm với đất rồi trồng rau.
Chị Trinh tự tay làm tất cả các công đoạn, từ trộn đất, gieo hạt trồng đến chăm sóc và thiết kế cảnh quan khu vườn.
Vườn được trồng theo phương pháp organic nên gia chủ yên tâm thu hoạch rau trái, chế biến món ăn mỗi ngày.
Khu vườn nhỏ được thiết kế đẹp mắt, điểm tô bằng nhiều chậu hoa đa màu sắc.
Ở Malaysia khí hậu nóng quanh năm nên chị Trinh không trồng rau theo mùa mà lựa theo sở thích của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, chị cũng chỉ có thể trồng những giống cây chịu nhiệt, thích nghi được với điều kiện thời tiết tại địa phương.
Nữ gia chủ thường trồng các loại rau củ quả như xà lách, cải kale, cà pháo, cà tím, ớt, chanh, bí đỏ,… và một số giống rau thơm, gia vị Việt như hành lá, tía tô, hẹ, nghệ, ngò gai, diếp cá, húng bạc hà,… Ngoài ra, vườn còn có vài giống thân leo như gấc, bầu, bí đao, mướp đắng,… và cây ăn trái gồm dưa chuột, đu đủ, cóc, ổi.
Mỗi buổi sáng, chị tranh thủ 2-3 tiếng đồng hồ để ra vườn nhổ cỏ rồi tưới cây, chăm rau hay di dời chậu rau ra chỗ nắng. Thời tiết gay gắt, đất mau khô nên chị phải chú ý tưới nước thường xuyên.
Mỗi lần thu hoạch, nàng dâu Việt lại “tậu” được cả rổ rau trái đầy ắp.
Món bánh xèo dân dã mà chị cùng bạn bè thường làm mỗi khi có dịp tụ tập.
Từ khi cải tạo lại vườn, trồng đủ loại rau trái mà gia đình chị Trinh đã chủ động được nguồn thực phẩm sạch trong mùa dịch, cải thiện bữa ăn hàng. Chị thường nấu nhiều món ăn mang đậm hương vị Việt, vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.
“Trước dịch, mình thường rủ bạn bè đến nhà tụ tập nấu món Việt ăn, muốn ăn rau gì ra vườn là có, rau tự trồng sạch và tươi ngon lắm nên càng ngày mình càng đam mê trồng rau hơn. Tuy nhiên từ khi dịch bùng phát là mọi người không thể ghé thăm thường xuyên nữa”, gia chủ bày tỏ.
Sau 2 năm, vợ chồng chị Trinh dành dụm được ít tiền nên quyết định mua trả góp căn nhà này và đến nay đã chính thức sở hữu nó. Nhờ thế, chị càng có thêm động lực chăm chút khu vườn, tô điểm không gian sống. Khu vườn nhỏ không chỉ cung cấp rau trái sạch, tạo khoảng xanh mát cho ngôi nhà mà còn trở thành góc thư giãn tại gia giúp nàng dâu Việt giải tỏa tinh thần, vơi bớt nỗi nhớ quê hương.