“Một loạt sản phẩm rác mạng đang lên ngôi, trong đó có “rác nhạc” – nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nêu quan điểm với PV Dân Việt.
Mới đây, diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm ra mắt sản phẩm mới có tên gọi Oải cả chưởng. Ngay sau khi lên sóng, ca khúc nhanh chóng đã gây ra những tranh cãi trái chiều trong dư luận. Trong khi một số ý kiến cho rằng đây chỉ là một clip vui, hài hước, nhiều khán giả cho rằng những sản phẩm như Oải cả chưởng không nên xuất hiện trên mạng xã hội vì sự nhảm nhí, vô nghĩa trong ca từ, gây tác động xấu tới giới trẻ. Trong ca khúc này, Lê Dương Bảo Lâm hát những câu như: “Anh em, rớt miếng. Có Lâm Lâm Lâm Lâm lại Lâm lụm. Nhưng Lâm, rớt răng. Mọi người cười còn Lâm thì bụm. Đúng là oải cả chưởng! oải cả chưởng! oải cả chưởng!”
Hiện tại, Oải cả chưởng thu hút 2,8 triệu lượt xem, từng đứng vị trí thứ 14 trong Top các MV thịnh hành của YouTube.
PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang về vấn đề trên:
Anh đánh giá thế nào về MV Oải cả chưởng do diễn viên Lê Dương Bảo Lâm phát hành mới đây?
– Tôi không xem Oải cả chưởng của Lê Dương Bảo Lâm là MV (video ca nhạc). Đây là clip YouTube thông thường, có yếu tố nhảm nhí, phản cảm thì đúng hơn. Với cơ chế quản lý nội dung YouTube một cách tự do như hiện nay, việc sản xuất clip và phát tán trên mạng xã hội là quyền của mỗi cá nhân. Còn việc khán giả xem hay quay lưng lại với những clip nhảm, nhạt, nhàm – đó mới là vấn đề thuộc về văn hoá.
Một clip với những tiết tấu tưởng như “đọc Rap” nhưng lại chẳng phải, chỉ là học theo Rap, “ăn hơi” theo Rap. Coi “sản phẩm” này là MV ca nhạc đúng nghĩa, thì càng không, bởi MV ca nhạc phải chứa đựng ba điều kiện cốt lõi: Thứ nhất, bản nhạc (bài hát) phải có chủ đề, phải là câu chuyện được kể bằng âm nhạc, phải có nội dung xuyên suốt. Thứ hai, phải được miêu tả bằng một thứ ngôn ngữ kết hợp giữa âm nhạc với điện ảnh (diễn xuất). Thứ ba, phải được thể hiện từ một ca sĩ hoặc nghệ sĩ chuyên nghiệp, có đào tạo chính quy trường lớp.
Đối chiếu với Oải cả chưởng của Lê Dương Bảo Lâm thì thiếu cả ba. Vì thế sản phẩm này không thể gọi là MV (video ca nhạc) được.
Theo anh, sản phẩm này có gây ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài tới đời sống văn hoá, hay chỉ có tính hài hước, vui vẻ và nhanh chóng bị quên lãng như nhiều khán giả quan niệm?
– Như trên tôi đã trao đổi, Oải cả chưởng chỉ là những mảnh ghép xáo xào được diễn ngôn núp bóng giai điệu, tiết tấu của Rap chứ không chứa đựng nội dung câu chuyện âm nhạc. Những phân cảnh diễn xuất trong clip này cũng không có yếu tố điện ảnh. Đặc biệt hơn, chất giọng của Lê Dương Bảo Lâm không thể được xem là chất giọng của ca sĩ chuyên nghiệp.
Vậy rõ ràng, Oải cả chưởng chỉ là clip mang tính giải trí phổ thông chứ không thể xếp vào sản phẩm âm nhạc đúng nghĩa. Mà bạn biết đó, một clip giải trí thông thường sẽ không thể tồn tại lâu. Tuy nhiên, điều nguy hại mà nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hoá nghệ thuật đó là “kích động” thói hiếu kỳ, xem và học làm theo của những người trẻ. Điều này sẽ gây nên hệ luỵ xấu cho đời sống nghệ thuật Việt Nam. Vàng thau sẽ lẫn lộn, nếu như không có sự phát hiện, ngăn chặn kịp thời từ phía cơ quan chức năng. Rồi đây, sau Oải cả chưởng – một cái tên “tục tĩu”, vô hồn, vô nghĩa, sẽ “đẻ” ra một loạt những chủ đề mang danh MV, clip ca nhạc phản cảm kéo theo.
Việc các sản phẩm nhảm như Oải cả chưởng được chia sẻ nhiều với lượt xem lên tới hàng triệu có phải tín hiệu đáng buồn đối với đời sống văn hoá không, thưa anh?
– Rõ ràng, đây là sự “xuống cấp” nghiêm trọng về mặt thị hiếu thẩm mỹ. Nó cho thấy thực trạng tồn tại của một loại “sản phẩm rác mạng” đang lên ngôi, trong đó có “rác nhạc”. Tất nhiên, một sản phẩm “rác nhạc” lên tới cả triệu view cũng không có gì ngạc nhiên. Ngoài lượt xem thực của khán giả, việc các công ty truyền thông đứng sau “sản phẩm rác nhạc” ấy với các kỹ năng đẩy xem để chiếm spotlight (vị trí nổi bật) cũng là điều dễ nhận ra.
Tôi cho rằng, vấn đề đáng buồn, đáng báo động ở đây là một sản phẩm gọi là “rác mạng” như vậy vẫn ngang nhiên tồn tại trong đời sống nghệ thuật, mà chưa thấy động thái xử lý nghiêm nào từ phía cơ quan quản lý văn hoá – thông tin, mới là vấn đề lớn. Đúng ra, những cơ quan này cần nhanh chóng phát hiện và cấm sóng những “sản phẩm rác nhạc đó” khi nó mới phôi thai trên mạng xã hội, chứ không phải là để nó phát triển mạnh như hiện tại. Đây chính là “lỗ hổng” trong cơ chế quản lý văn hoá, cần sớm được kiện toàn với những chế tài xử phạt mạnh tay.
Thế nhưng, không ít khán giả cũng cho rằng, việc chúng ta quá khắt khe với các sản phẩm của nghệ sĩ cũng phần nào làm hạn chế sự sáng tạo của họ. Anh có đồng ý với quan điểm này?
– Bản chất của nghệ thuật đã là sự khắt khe rồi. Nếu người nghệ sĩ không nghiêm khắc với chính mình thì làm sao có tác phẩm tốt được. Chúng ta đừng nhầm lẫn giữa phê bình nghệ thuật khắt khe với sự soi mói cố tình. Hai vấn đề này khác nhau hoàn toàn. Tôi không tin một tác phẩm nghệ thuật vang danh nào, mà người nghệ sĩ đằng sau nó lại không trải qua quá trình lao động nghiệt ngã, phải đánh đổi bằng máu và nước mắt cả.
Một nghệ sĩ lớn, đích thực bao giờ cũng xem sự phê bình, góp ý nghiêm khắc là những bài học vô giá để đưa sản phẩm tinh thần của mình lên đỉnh cao sáng tạo. Chỉ có sự soi mói cố tình mới bóp chết sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Phê bình nghệ thuật đúng nghĩa giống như “ngọn lửa” thử giá trị vàng ròng nằm trong tài năng, sự cống hiến của người nghệ sĩ, cũng như tác phẩm của họ.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!