Anh Liêm làm kinh doanh tự do, có ba năm kinh nghiệm làm vườn sân thượng. “Tôi chưa từng làm vườn nên tham gia nhiều hội nhóm để hỏi kinh nghiệm. Thấy nhiều anh chị chia sẻ những giống rau, trái lạ hoặc ‘siêu to’ mà trước giờ chưa từng thấy, vì thích thú nên trồng tìm giống trồng thử”, ông chủ vườn cho biết.
Năm ngoái, anh bắt đầu trồng thử nghiệm giống bí đao siêu to trong thùng xốp. Với một cây duy nhất, anh thu hơn 20 trái, trái to nhất nặng hơn 34 kg. Khi thu hoạch, anh phát hiện giống bí này chỉ lạ mắt vì trái “khổng lồ” chứ ăn không ngon, hợp với làm mứt hoặc nấu nước sâm bí đao.
Trên sân thượng nhà mình, người đàn ông còn trồng giống bầu hồ lô, mỗi trái có thể nặng đến 10 kg. Để nấu ăn, anh cắt bí lúc còn non, mỗi trái khoảng 3 kg.
“Cây bầu thụ phấn vào buổi chiều tối, thời điểm ít côn trùng nên tôi phải thụ phấn hộ cây nên cực hơn một chút”, anh cho biết.
Những cây cải kale được anh Liêm trồng cũng cho lá rất to. Bí quyết của anh là chú trọng chất lượng hơn số lượng, chỉ trồng mỗi chậu một cây.
Với những loại ăn lá, người đàn ông thường tranh thủ tưới nước vào khoảng 4 -5 giờ chiều. Chỉ tưới ở phần gốc, không phun nước lên lá. Theo kinh nghiệm của anh, việc tưới vào buổi tối, tưới ướt đẫm sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho sâu bệnh phát triển.
Từ ngày làm vườn, anh Liêm được biết thêm nhiều loại giống cây lạ. Khi thấy có bạn bè trong nhóm trồng rau khoe trái khổ qua trắng, trái cũng rất to nên anh xin hạt giống về trồng. Mỗi trái khổ qua này có thể to bằng một chai nước ngọt loại 1,5 lít.
Ngày 8/3 năm nay, sau khi thu hoạch anh Liêm đem xuống bàn xếp các loại rau trái đầy màu sắc thành một “bông hoa khổng lồ” tặng vợ. Anh cho biết, ban đầu thấy chồng hì hụi làm vườn, vợ khuyên anh nghỉ ngơi và “ra chợ mua khỏe hơn”.
“Bà xã không ngờ rau tôi trồng lại cung cấp đủ cho cả nhà. Không những thế, mỗi lần thu hoạch còn đủ tặng người thân, bạn bè nữa”, anh kể.
Ông chủ vườn 46 tuổi tiết lộ bí quyết trồng: Trước khi cho đất vào, anh lót dưới đáy thùng một lớp xỉ than, đục lỗ ở bên hông, cách đáy khoảng 5cm.
“Lớp xỉ than có công dụng giữ lại nước và các chất dinh dưỡng. Nếu lỡ bận việc không tưới cây một ngày thì theo tự nhiên, bộ rễ sẽ tự tìm xuống đáy để hút nước vì thế không sợ cây héo”, anh Liêm chia sẻ. .
Anh trồng khoảng 30 cây nha đam và cũng có kích thước lớn hơn bình thường nên có lần thu hoạch được hơn 50 kg. Gia đình sử dụng một ít, số còn lại anh mang tặng nhà chùa.
Với anh Liêm, khâu chọn đất, trộn đất là quan trọng nhất. Để cây phát triển tốt thì chậu phải luôn có đất thịt, sau đó mới bổ sung trấu, xơ dừa, vỏ trứng để tăng độ tơi xốp. Ngoài bón cây bằng phân gà, phân trùn quế, anh học cách ủ rác nhà bếp làm phân.
Từng trồng giống mướp thước cho trái dài hơn một mét, anh Liêm phải làm giàn rất tốn diện tích. Sau đó, anh nghĩ một cách trồng độc đáo hơn. Khi mướp bắt đầu đâm nhánh bò, anh Liêm cắt bớt những nhánh phụ, chỉ để lại nhánh chính. Cây dài đến đâu thì quấn vòng tròn bằng với diện tích của thùng sơn. Anh gọi vui đây là cây “mướp bonsai”.
Để vườn hạn chế côn trùng gây bệnh, ở mỗi góc vườn anh đặt những chai nhựa có chứa hạt long não. Mùi long não bay thoang thoảng sẽ đuổi được bọ xít và ruồi vàng hay đục trái.
Khi trồng được những giống mới, anh Liêm không ngại chia sẻ lên các hội nhóm để mọi người có động lực trồng trọt. Anh còn để lại hạt giống để tặng miễn phí cho các shop cây giống 0 đồng. Đợt lũ ở Miền Trung năm ngoái, anh cũng góp hạt giống rau, mướp tặng gửi tặng nông dân.
Từ người không biết làm vườn, kiến thức trồng trọt tự học, hiện tại việc trồng trọt đã biến thành niềm đam mê của anh.
“Có đam mê mới có động lực để làm. Trồng cây cũng như nuôi em bé, lúc nhỏ phải chăm sóc kỹ thì mới có đà phát triển sau này. Đến lúc lớn cũng phải dành thời gian để ý để kịp phát hiện sâu bệnh, chữa trị kịp thời”, anh chia sẻ.