Mệ phân tích chút xíu về Công ty N. ở xứ Đông Lào lấy tiền đâu để “tri ân khách hàng” 1.000 tỷ trong thời buổi khó khăn này để các anh quản lý dễ thấy mà cẩn thận, chớ vội tin vào “lòng tốt CSR” của doanh nghiệp.
Nếu DN có lòng tri ân thì hãy bảo công ty ấy chuyển hẳn một lần một cục tiền 1.000 tỷ đồng ngay và luôn thì mới yên tâm được, nếu không thì ngộ nhỡ 10 năm chưa xong cái công trình “tri ân khách hàng” thì mang tiếng mà DN thì lại được tiếng thơm, hehe.
Tổng tài sản của công ty N chỉ hơn 3.200 tỷ đồng nhưng có đến 82,2% nằm ngoài công ty, nghĩa là phải dành tới 1/3 tổng tài sản để “tri ân khách hàng”, thì câu hỏi đặt ra là tiền ở đâu?
Sau nhiều lần tăng vốn, thời điểm cuối năm 2022, Công ty N có vốn điều lệ gần 150 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt tới 2.417 tỷ đồng, cộng với các khoản nợ, tổng tài sản của công ty đạt 3.195 tỷ đồng nhưng đa số đều đã được chuyển ra khỏi công ty qua hình thức đầu tư tài chính và các khoản phải thu.
Cuối năm 2022, Công ty N ghi nhận 1.639 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn và 1.052 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Hai dòng vốn chuyển ra bên ngoài này chiếm tới 82,2% tổng tài sản công ty.
Trong hơn 1.000 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn khác, có 700 tỷ đồng đặt cọc mua cổ phần và 331 tỷ đồng phải thu từ thanh lý khoản đầu tư (một cty về thể thao). Còn 1.639 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn là các khoản rót vốn vào công ty con, công ty liên kết.
Tiền chạy lòng vòng nên cuối năm 2022, Công ty N chỉ có 279 triệu tiền mặt; 2,6 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 23,57 tỷ đồng (1 triệu USD) các khoản tương đương tiền. Các khoản tương đương tiền này đã được thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn của một công ty con ở một tỉnh lân cận công trình “tri ân khách hàng”.
Công ty N ôm ngàn tỷ đi đầu tư nhưng đa phần là những khoản đầu tư thua lỗ. Mệ nói sơ sơ vậy thôi đủ hiểu, từ từ nói chi tiết sau.
Đằng sau chuyện “tri ân khách hàng” là cái gì thì DN và các 8 tự nghĩ chứ thật sự mệ không nghĩ ra và cũng không rảnh để nghĩ.
Võ Đức Phúc