Ngoài môn Tiếng Anh, học sinh tiểu học sẽ có thêm lựa chọn mới khi học ngoại ngữ là môn Tiếng Trung Quốc.
Ngày 1/12, Bộ GD&ĐT ký quyết định phê duyệt sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5 và sách giáo khoa môn Tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, sách giáo khoa môn Tiếng Trung Quốc chính thức được đưa vào sử dụng ở cấp tiểu học. Như vậy, ngoài tiếng Anh, học sinh tiểu học sẽ có thêm một lựa chọn mới khi học ngoại ngữ là tiếng Trung Quốc.
Trước đó, từ tháng 2/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản về chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Trung Quốc cho học sinh các cấp. Theo văn bản này, tiếng Trung Quốc được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12.
Mục tiêu cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Trung Quốc là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, chữ Hán, từ vựng, ngữ pháp).
Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh phổ thông nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Cụ thể, học sinh kết thúc cấp tiểu học đạt bậc 1, học sinh kết thúc cấp THCS đạt bậc 2, học sinh kết thúc cấp THPT đạt bậc 3.
Với cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu là sau khi hoàn thành chương trình môn Tiếng Trung Quốc ở cấp này, các em có thể giao tiếp đơn giản bằng tiếng Trung Quốc thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó nhấn mạnh hai kỹ năng nghe và nói.
Học sinh cũng được đặt mục tiêu là có kiến thức cơ bản và tối thiểu về tiếng Trung Quốc bao gồm ngữ âm, chữ Hán, từ vựng, ngữ pháp; thông qua tiếng Trung Quốc có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người và văn hóa Trung Quốc.
Ngoài ra, bộ kỳ vọng học sinh tiểu học sẽ hình thành hứng thú và có thái độ tích cực đối với việc học tiếng Trung Quốc; biết tự hào, yêu quý và trân trọng nền văn hoá và ngôn ngữ của đất nước mình.
Việc học Tiếng Trung ở cấp tiểu học chính là bước đầu hình thành cách học tiếng Trung Quốc hiệu quả, tạo cơ sở cho việc tiếp tục học tiếng Trung Quốc hoặc học các ngoại ngữ khác trong tương lai.
Về việc phân bổ thời lượng dạy học, cấp tiểu học sẽ học 4 tiết tiếng Trung Quốc mỗi tuần, cấp THCS và THPT là 3 tiết mỗi tuần.
Các cơ sở giáo dục cần đảm bảo đủ số lượng giáo viên để thực hiện đủ số tiết học theo kế hoạch dạy học ở trường phổ thông.
Giáo viên cũng phải phải đạt chuẩn năng lực Tiếng Trung Quốc và năng lực sư phạm phù hợp với cấp học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, giáo viên phải được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ để triển khai chương trình và cần được tạo điều kiện bồi dưỡng về năng lực thiết kế các hoạt động đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ phù hợp, hỗ trợ học sinh phát triển năng lực giao tiếp theo các cấp độ của khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.