Nói lời sau cùng, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng cho biết cảm thấy rất hối hận về những sai lầm của bản thân, mong được sớm trở về với gia đình, cống hiến cho xã hội
Sau hai ngày xét xử, tối ngày 26-12, Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội cho 21 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” được nói lời sau cùng trước khi đi vào nghị án.
Là người đầu tiên trình bày, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết gia đình có bố mẹ, vợ đều làm trong ngành y tế, từng giúp đỡ nhiều bệnh nhân chữa bệnh. Tuy nhiên, “hành động nhận hối lộ của bản thân là nhất thời, vì không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền, chứ không phải bản chất của bị cáo”.
Bị cáo khẳng định không làm gì sách nhiễu hay gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi cấp phép chuyến bay. Cựu thư ký thứ trưởng xin nhận tội trước pháp luật, xin lỗi Đảng, Nhà nước, Bô Y tế và những người dân chịu thiệt thòi trong đại dịch COVID-19
“Bị cáo đã nhận ra sai lầm của mình, rất hối hận. Nếu có cơ hội nào đó để cho bị cáo chuộc lỗi lầm thì bị cáo sẵn sàng thực hiện. Bị cáo mong tòa cho được hưởng hình phạt có thời hạn để được trở về phụng dưỡng cha mẹ già, chăm sóc vợ con”- bị cáo này nói.
Trình bày lời nói sau cùng, cựu điều tra viên, cựu trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) Hoàng Văn Hưng cho hay đến thời điểm này, với tất cả những gì đã diễn ra, bị cáo rất hối hận về những sai lầm của bản thân.
“Bị cáo đã ấp ủ niềm tin với bố mẹ, những người tin tưởng mình. Tuy nhiên, chính bị cáo đã đánh mất niềm tin với mọi người, mong được tha thứ”- bị cáo Hưng tỏ ra ăn năn nói.
Cuối phần trình bày, cựu điều tra viên mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét những ý kiến trình bày của bị cáo cũng như luật sư bào chữa tại tòa. Bị cáo tin HĐXX sẽ đưa ra phán quyết “giàu lòng nhân ái để cho bị cáo sớm được trở về với gia đình, cống hiến cho xã hội”.
Khóc nức nở khi đứng trước bục khai báo, cựu cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan nói rất đau xót, xin nhận tội trước Đảng, Nhà nước, những công dân tham gia các chuyến bay về nước trong đại dịch. Vì sai phạm của bị cáo mà ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, nhà nước, Bộ Ngoại giao.
“Bị cáo xin lỗi cha mẹ, người thân, vì con mà mọi người đau khổ suốt thời gian qua. Cảm ơn đồng nghiệp vì đã dang tay yêu thương bị cáo khi lầm lỗi”- bà Lan khóc nghẹn, nói.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, mong tòa phúc thẩm đánh giá khách quan, toàn diện khi lượng hình với ông và các bị cáo khác. Qua phiên tòa, bị cáo “thấm thía lỗi lầm, sai phạm của bản thân”.
Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân. Mặc dù không cố ý song việc làm của bị cáo đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, gia đình. Cùng với đó, bị cáo mong HĐXX xem xét bản thân bị cáo cả đời tận tụy góp sức vào công tác đối ngoại mà có có phán quyết khoan hồng.
Sáng cùng ngày, tại bản luận tội, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị bác kháng cáo giảm nhẹ hình phạt với Phạm Trung Kiên. VKSND cho rằng bị cáo có hành vi cố tình ép buộc doanh nghiệp và số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn, cấp phúc thẩm tuyên án bị cáo chung thân là phù hợp.
VKSND chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Thị Hương Lan và đề nghị HĐXX giảm án cho bị cáo này từ chung thân xuống 20 năm tù; cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đề nghị giảm 3 đến 4 năm tù (án sơ thẩm 16 năm tù); Trần Văn Tân, cựu phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, được đề nghị giảm 1 năm tù còn 5 năm tù giam (án sơ thẩm 6 năm tù).
Bị cáo Hoàng Văn Hưng được VKSND đề nghị giảm từ chung thân xuống 20 năm tù giam. Theo VKSND, bị cáo Hoàng Văn Hưng có những tình tiết giảm nhẹ mới là nhận tội, ăn năn hối cải, nộp lại tiền khắc phục hậu quả, có hai bác ruột là liệt sĩ.
Nhiều bị cáo có đơn kháng cáo cũng được đề nghị giảm từ 2 tháng tù đến 3 năm tù giam. Đáng chú ý dù không có đơn kháng cáo, bị cáo Trần Việt Thái, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia, vẫn được VKSND đề nghị giảm 6-12 tháng tù (án sơ thẩm 4 năm tù), Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, được đề nghị giảm 6-12 tháng tù (án sơ thẩm 5 năm tù).
Tòa sẽ tuyên án vào 10 giờ sáng 27-12.