Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, đề nghị sửa đổi luật Nghĩa vụ quân sự để 100% thanh niên đều được thực hiện nghĩa vụ quân sự, không miễn, giảm nhiều như hiện nay.
Chiều 3.1, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham vấn nội dung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về thanh niên, trẻ em qua gần 40 năm đổi mới với sự tham gia của các chuyên gia về công tác thanh niên, trẻ em.
Nêu ý kiến tại tọa đàm, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, nhìn lại cả chặng đường dài của lịch sử mới thấy thanh niên Việt Nam may mắn khi có Đảng lãnh đạo sáng suốt, có hệ thống chính trị giúp thanh niên có bệ đỡ phát triển.
Tuy nhiên, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cũng thẳng thắn cho rằng, so với hệ thống quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước thì việc thực hiện các thể chế, chính sách về thanh niên chưa được như mong muốn. Nhiều nghị quyết rất lớn, nhưng tổ chức thực hiện có nhiều vấn đề: thời gian kéo dài, chưa toàn diện, chưa triệt để.
Góp ý cụ thể, ông Vũ Trọng Kim bày tỏ đồng tình khi dự thảo báo cáo về xây dựng, hoàn thiện thể chế, ban hành chính sách phát triển thanh niên qua gần 40 năm đổi mới đã đề cập tới vai trò xung kích của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cho rằng bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ của thanh niên, ông Kim đề nghị sửa luật Nghĩa vụ quân sự 2015 để làm sao giống như một số nước, mỗi thanh niên đều được trải qua huấn luyện quân sự ít nhất là 2 năm.
“Trong luật Nghĩa vụ quân sự hiện nay có miễn, giảm nên không phải 100% thanh niên chúng ta được tham gia nghĩa vụ quân sự. Tôi mong muốn làm sao mỗi thanh niên đều được tham gia nghĩa vụ quân sự vì nó tạo cho thanh niên nhận thức, tinh thần mới”, ông Kim nói.
Nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn phân tích, Việt Nam trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh nên những ai không trải qua quá trình huấn luyện nghĩa vụ quân sự sẽ “cảm thấy thiếu thiếu gì đó”. Ông Kim cũng dẫn ví dụ tại Hàn Quốc với chính sách yêu cầu tất cả các thanh niên đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
“Các đồng chí biết là ở Hàn Quốc, một thanh niên đá bóng ở nước ngoài giỏi cỡ nào đi nữa anh cũng phải về tập trung thực hiện nghĩa vụ quân sự. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là rất quan trọng và mỗi thanh niên phải thấm trong tim, gan mình về nghĩa vụ này”, ông Kim nói thêm.
Dự thảo báo cáo của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về thanh niên trong gần 40 năm qua nêu, luật Thanh niên 2005, luật Thanh niên 2020 quy định trách nhiệm của thanh niên tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ gìn bí mật quốc gia, xung kích đấu tranh chống mọi hành vi xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Cạnh đó, bảo đảm cho thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, dân quân tự vệ; tham gia quân nhân dự bị và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân.
Báo cáo cũng nêu, luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định công dân đủ 18 đến hết 27 tuổi trong độ tuổi gọi nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự đã làm tốt công tác tuyển quân với tỷ lệ thanh niên tình nguyện hàng năm lên đường bảo vệ Tổ quốc đều đạt và vượt so với chỉ tiêu được giao.
Trước đó, tại kỳ họp 5 của Quốc hội giữa năm 2023, nêu ý kiến thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cũng nêu tình trạng số lượng người đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đông, nhưng số lượng miễn, hoãn lại nhiều. Vì thế, tới đây sẽ sửa luật theo hướng giảm đối tượng được miễn, hoãn.
Theo ông Giang, hiện Việt Nam có khoảng 2 triệu thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ nhưng mỗi năm chỉ có 100.000 người thực hiện nghĩa vụ quân sự. “Số lượng người đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự của Việt Nam đông, nhưng số lượng miễn, hoãn lại nhiều hay số lượng thanh niên vẽ (xăm – PV) vào người cũng nhiều”, ông Giang nói.
Ông Giang cho biết, thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ cùng Quân ủy T.Ư nghiên cứu và đề nghị sửa luật Nghĩa vụ quân sự để giảm đối tượng được miễn, hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự. “Có thể tăng số lượng lên nhưng giảm thời gian phục vụ trong quân ngũ và tăng cường độ huấn luyện”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ.